Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống

Thứ hai - 03/04/2023 11:39 72 0

BTN - Ban Giám hiệu các trường tập trung nêu những tác hại, hậu quả và hệ luỵ do tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống mang lại.

Hội LHPN huyện Dương Minh Châu lồng ghép các nội dung về tảo hôn, kết hôn cận huyết thống vào các buổi nói chuyện chuyên đề với đồng bào dân tộc thiểu số.
Hội LHPN huyện Dương Minh Châu lồng ghép các nội dung về tảo hôn, kết hôn cận huyết thống vào các buổi nói chuyện chuyên đề với đồng bào dân tộc thiểu số.

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại nhiều hệ luỵ cho gia đình và xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người mẹ và trẻ em, làm suy giảm chất lượng dân số và nguồn nhân lực của địa phương. Để kéo giảm và xoá bỏ hẳn tình trạng này, những năm qua, Tây Ninh tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số.

Tăng cường công tác tuyên truyền

Tảo hôn, kết hôn cận huyết thống là một nội dung được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền đến học sinh. Từ những cuộc tuyên truyền, vận động góp phần thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ, dần xoá bỏ hủ tục lạc hậu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của chính người thân chúng ta. “Sở GD&ĐT xác định tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là một trong những nguyên nhân tác động đến cuộc vận động xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Bài trừ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài của ngành”, ông Nguyễn Văn Phước- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT nói.

Để thực hiện nhiệm vụ này, thời gian qua, tuỳ vào đặc điểm của từng trường, từng đơn vị, Sở chỉ đạo lựa chọn các nội dung tuyên truyền, phổ biến phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn. Các nội dung tuyên truyền ngắn gọn, thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, để truyền tải đầy đủ đến học sinh.

Ban Giám hiệu các trường tập trung nêu những tác hại, hậu quả và hệ luỵ do tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống mang lại. Trong đó, chú trọng các nội dung về dân số, hôn nhân và gia đình, xử lý vi phạm hành chính, hình sự liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, đặc biệt là các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Hôn nhân và Gia đình.

Sở Tư pháp là đơn vị phụ trách công tác tuyên truyền pháp luật của tỉnh thường xuyên đăng tải bộ tài liệu phổ biến pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết (truyện tranh, tờ gấp pháp luật), dịch sang tiếng dân tộc Mông, dân tộc Thái đăng tải trên trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Tây Ninh. Sở cũng đã biên soạn, in ấn và phát hành 10.000 tờ gấp hỏi - đáp về Luật Bình đẳng giới.

Để tiếp tục truyền tải, lan toả rộng rãi thông điệp “Hãy chung tay đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”, Sở Tư pháp tham mưu Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh ban hành văn bản đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp tỉnh và Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các huyện, thị xã, thành phố quan tâm chỉ đạo truyền thông các quy định của pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết; đăng tải Bộ Tài liệu trên cổng/ trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, UBND cấp huyện và UBND cấp xã (nếu có) và truyền thông bằng các hình thức khác phù hợp. Qua đó tạo điều kiện cho người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em tiếp cận kịp thời các quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em.

Bên cạnh đó, Sở Tư pháp tổ chức 3 buổi hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật; thi tìm hiểu pháp luật và trợ giúp pháp lý cho phụ nữ các xã Tân Đông (huyện Tân Châu), Tân Lập (huyện Tân Biên) và thị trấn Dương Minh Châu (huyện Dương Minh Châu) với 180 người tham dự. Nội dung triển khai tại hội nghị gồm Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Trẻ em và Phòng, chống xâm hại trẻ em. Tại thành phố Tây Ninh, Sở cử báo cáo viên tuyên truyền về các nội dung liên quan đến hôn nhân, gia đình, trẻ em tại 5 hội nghị cho phụ nữ của thành phố tham dự, tiếp cận.

Từng bước thay đổi nhận thức

Chi hội Phụ nữ ấp Chăm, xã Suối Dây, huyện Tân Châu thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho phụ nữ về giáo dục con cái, tổ chức cuộc sống gia đình tốt hơn. Trong quá trình tuyên truyền, Chi hội Phụ nữ nêu những trường hợp cụ thể trong ấp để chị em thấy được tác động tiêu cực từ việc kết hôn sớm, từ đó thay đổi suy nghĩ.

Chị Háp Só, 30 tuổi, ngụ ấp Chăm lấy chồng năm 26 tuổi, có 1 con gái nhỏ 3 tuổi. Hai vợ chồng đều là công nhân làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Về vấn đề tảo hôn, chị chia sẻ, qua tuyên truyền từ trường học đến địa phương, chị và ba mẹ hiểu rõ những tác hại khi kết hôn sớm, không đúng độ tuổi. “Ba mẹ mình rất tiến bộ. Ông bà không hề bắt ép con cái kết hôn sớm. Đây cũng là may mắn cho mình”- chị Háp Só nói.

Không những thay đổi về vấn đề tảo hôn, gia đình chị Háp Só với 3 thế hệ sống cùng luôn đỡ đần, giúp đỡ lẫn nhau, không hề có tư tưởng phân chia “việc của phụ nữ, việc của đàn ông”. Chị nấu cơm, chồng chị tưới rau, mẹ chăm cháu. Theo chị, để giữ gìn hạnh phúc gia đình, sự quan tâm, chia sẻ là sợi dây gắn kết sâu đậm mọi người với nhau. Vợ chồng chị luôn chia sẻ công việc nhà, dành thời gian rảnh rỗi dẫn con đi công viên giải trí, vui chơi. Những việc làm của hai vợ chồng từng bước tạo ấn tượng tốt đẹp cho con trẻ. Sau này, lớn lên, các bé sẽ có những tư duy tích cực, xoá bỏ suy nghĩ trọng nam khinh nữ, bất bình đẳng giới.

Chị Háp Só cho rằng “các bạn trẻ không nên kết hôn sớm, hơn 20 tuổi hãy kết hôn. Vì khi có nghề nghiệp ổn định, có thu nhập, tiền tiết kiệm mới lo được cho con cái sau này. Hai người trẻ quá sẽ không biết suy nghĩ nhiều về cuộc sống gia đình”.

Ấp Tân Định 2, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu là nơi đồng bào Tà Mun tập trung sinh sống. Dân số có khoảng 95 hộ với 326 khẩu. Đa số bà con làm nông, làm thuê, một số hộ chăn nuôi bò nhỏ lẻ hoặc làm công nhân. Bà Lâm Thị Reo- Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN xã Suối Đá, người uy tín của bà con đồng bào Tà Mun chia sẻ hiện nay, hầu như không còn tình trạng tảo hôn; kết hôn cận huyết thống cũng không còn. Đồng bào Tà Mun ra ngoài đi làm, các mối quan hệ mở rộng hơn với các đồng bào dân tộc khác. Các đôi trai gái yêu nhau, nên nghĩa vợ chồng không gói gọn trong cùng một dân tộc. Có những gia đình mẹ là người Tà Mun, ba là người Kinh; hay mẹ người Khmer, ba người Tà Mun và ngược lại.

Có được thay đổi này là nhờ công tác tuyên truyền của địa phương, từ huyện, xã đến ấp, tổ. Theo bà Reo, tại ấp từ nhiều năm qua có thành lập Câu lạc bộ Phụ nữ dân tộc thiểu số với pháp luật. Định kỳ mỗi tháng, Câu lạc bộ sinh hoạt 1 lần. Bà Reo đảm nhận vai trò Phó Chủ nhiệm thường trực của Câu lạc bộ. Trong nội dung sinh hoạt, Ban Chủ nhiệm lồng ghép các nội dung nhắc nhở đến vấn đề tảo hôn và kết hôn cận huyết thống.

“Bây giờ, nhận thức của bà con dân tộc thiểu số về pháp luật cao hơn trước rất nhiều. Mọi người biết, nam chưa đủ 20 tuổi, nữ chưa đủ 18 tuổi mà kết hôn là vi phạm pháp luật. Mọi người cũng hiểu ra là kết hôn trong cùng họ hàng là giảm chất lượng sống của những đứa trẻ sinh ra. Có thể khẳng định hiện nay không còn trường hợp tảo hôn, kết hôn cận huyết thống trong đồng bào Tà Mun ở Tân Định 1”- bà Lâm Thị Reo nói.

Ngọc Diêu - Cỏ May

Tác giả bài viết: Thành Lộc (TTVH xã tổng hợp)

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây