HỎI – ĐÁP MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG “TÍN DỤNG ĐEN”

Thứ ba - 16/01/2024 13:06 130 0

1. Hỏi: “Tín dụng đen” là gì?

Đáp: Hiện nay, không có bất kỳ định nghĩa “tín dụng đen” nào là chính thống. 

“Tín dụng đen” được hiểu là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt mức lãi suất cho vay mà Nhà nước hay pháp luật quy định, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, thường gắn với hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật (còn gọi là cho vay nặng lãi).

HỎI – ĐÁP MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG “TÍN DỤNG ĐEN”

2. Hỏi: Hình thức phổ biến của tín dụng đen là gì?

Đáp: Hiện nay, tín dụng đen được phổ biến dưới các hình thức sau:

- Các ứng dụng (app) cho vay trực tuyến với lãi suất rất cao như “Vayvay”, “Samsetvay”, “IDong”; “VDong; “One Click Money”; “DoctorDong”; “Scash”; “ATM Online”; “Online VĐồng”… đang hàng ngày hàng giờ “giăng bẫy” trên không gian mạng.

Chỉ cần người dùng tải các ứng dụng này trên Google play hoặc App Store là có thể vay tiền một cách nhanh chóng mà không cần tới tận nơi cho vay.

Người sử dụng chỉ cần tạo một tài khoản trong ứng dụng, làm theo các thông tin hướng dẫn trong hệ thống. Cùng với đó là chụp 2 mặt của chứng minh nhân dân và cung cấp số điện thoại của người thân thì bên tổ chức cho vay giải ngân qua tài khoản ngân hàng nhanh chóng. Nhưng nếu sau một thời gian mà người sử dụng không thể trả theo đúng thỏa thuận sẽ có thể bị rất nhiều số điện thoại gọi tới thúc ép, đe dọa để bắt phải trả lại toàn bộ cả gốc lẫn lãi với số tiền lãi rất cao.

- Các dịch vụ tư vấn tài chính là hình thức rất phổ biến của các quỹ tín dụng đen hiện nay. Hình thức cho vay đó là nếu người vay đang cần tiền nhanh chóng thì chỉ cần cầm theo chứng minh thư, sổ hộ khẩu hoặc giấy tờ của những món đồ có giá trị là có thể vay ngay được tiền.

Tuy nhiên khi vay theo hình thức này, lúc đầu người đi vay cần phải thế chấp một món đồ giá trị nào đó để vay tiền. Nhưng khi đồng ý vay thì chỉ nhận lại được ít hơn số tiền mong đợi do đã bị cắt trừ lãi trong 01 tháng và phí dịch vụ.

3. Hỏi: Đối tượng cho vay lãi nặng thường sử dụng các phương thức, thủ đoạn hoạt động gì?

Đáp: Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phổ biến là: phát, dán tờ rơi, lập các website, sử dụng mạng xã hội, sử dụng số thuê bao không đăng ký chính chủ… Để đối phó với lực lượng Công an, ngoài tổ chức cho vay bằng các hình thức trên thì các tổ chức hoạt động cho vay khác như cho vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook...) để tiếp cận, chào mời những người có nhu cầu vay tiền với thủ đoạn không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân hoặc dưới dạng không thế chấp, huy động vốn, kinh doanh tài chính, góp vốn, góp tài sản kinh doanh, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng nhà đất, mua bán, giao nhận tài sản, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng... với lãi suất rất cao (từ 100% đến 500%) hoặc thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật.

Nếu các con nợ không trả nợ đúng hẹn, đối tượng cho vay tổ chức các hình thức đòi nợ để đe dọa người vay và thân nhân, có thể thực hiện các hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tổn hại về tinh thần và chiếm đoạt, hủy hoại tài sản của người đi vay để họ trả tiền như: đe dọa, khủng bố tinh thần, ném chất bẩn, đặt vòng hoa, quan tài, sử dụng sim rác để đe dọa, hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích, làm nhục người khác, gây rối tại nơi ở, nơi kinh doanh của con nợ… 

4. Hỏi: Nguyên nhân nào dẫn đến hoạt động “tín dụng đen”?

Đáp: Một số nguyên nhân của “tín dụng đen”, gồm:

- Một bộ phận người dân có nhu cầu vay vốn không cần thế chấp tài sản, không đáp ứng được điều kiện vay vốn tại các kênh cung cấp tín dụng chính thức đã tìm đến các cá nhân, cơ sở hoạt động “tín dụng đen” để vay tiền.

- Một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên xuống cấp về đạo đức, tham gia các hoạt động tệ nạn (cờ bạc, cá độ, ma túy...) hoặc do nhu cầu bất hợp pháp nên tìm đến các cá nhân, cơ sở hoạt động “tín dụng đen”. 

- Nhiều người sử dụng tiền nhàn rỗi để trực tiếp cho vay dưới dạng “tín dụng đen” hoặc tham gia với vai trò trung gian, huy động vốn, gây rủi ro rất lớn cho cả người cho vay và đi vay, dẫn đến tình trạng vỡ nợ, vỡ hụi xảy ra ở nhiều địa phương.

5. Hỏi: “Tín dụng đen” gây ra những tác hại gì?

Đáp: “Tín dụng đen” làm nảy sinh một lực lượng đòi nợ thuê bất hợp pháp, thậm chí cả những công ty thu nợ được thành lập hợp pháp cũng bị cuốn vào vòng xoáy này. Hành vi đòi nợ thuê theo kiểu xã hội đen đã và đang gây ra sự bất ổn nghiêm trọng tới an ninh trật tự và an toàn xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn và tính mạng của người đi vay. Lãi suất vay của tín đụng đen thường cao ngất ngưởng, khả năng người vay không trả được nợ là rất lớn. Khi con nợ không thể trả được nợ, lập tức sẽ bị khủng bố tinh thần, bị hành hung, gây mất ổn định xã hội. Theo cơ quan điều tra của Bộ Công an, đối tượng đứng đằng sau hoạt động “tín dụng đen” phần lớn là dân giang hồ, sẵn sàng dùng biện pháp mạnh, phi pháp để đòi nợ, càng đẩy bất ổn xã hội lên cao hơn.

Hậu quả của “tín dụng đen” khi đổ vỡ kéo theo sự thua lỗ của nhiều doanh nghiệp, nhiều người lao động mất việc làm, làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt, cơ hội làm ăn của nhiều người dân. Tình trạng “tín dụng đen” gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, làm suy yếu hệ thống giao dịch chính thức và ảnh hưởng hoạt động hệ thống ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng thương mại. Sự tồn tại của hình thức “tín dụng đen” cũng không đóng góp được gì cho ngân sách nhà nước.

6. Hỏi: Pháp luật quy định về lãi suất vay như thế nào?

Đáp: Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về lãi suất vay như sau:

“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ”.

7. Hỏi: Pháp luật quy định về lãi suất trong hụi có lãi như thế nào?

Đáp: Điều 21 Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường quy định lãi suất trong hụi có lãi như sau:

1. Lãi suất trong hụi có lãi do các thành viên của dây hụi thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được lĩnh hụi tại mỗi kỳ mở hụi nhưng không vượt quá 20%/năm của tổng giá trị các phần hụi phải góp trừ đi giá trị các phần hụi đã góp trên thời gian còn lại của dây hụi.

Trường hợp mức lãi suất giới hạn nói trên được điều chỉnh bởi cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật dân sự thì áp dụng mức lãi suất giới hạn được điều chỉnh đó.

2. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được lĩnh hụi tại mỗi kỳ mở hụi vượt quá lãi suất giới hạn này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

8. Hỏi: Người cho vay lãi nặng bị xử phạt như thế nào?

Đáp: Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm, người cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

9. Hỏi: Cho vay nặng lãi bị xử phạt hành chính như thế nào?

Đáp: Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

+ Kinh doanh dịch vụ cầm đồ cho vay tiền có cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự;

+ Không đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự;

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng việc tổ chức hụi để cho vay lãi nặng mà lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự.

10. Hỏi: Phạm tội cho vay nặng lãi bị xử phạt hình sự như thế nào?

Đáp: Điều 201 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự như sau:

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

11. Hỏi: Chủ nợ có hành vi “siết nợ” sẽ bị xử phạt như thế nào?

Đáp: Tùy tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm, người có hành vi “siết nợ” có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác” hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cưỡng đoạt tài sản” hoặc “Tội cướp tài sản”.

12. Hỏi: Pháp luật có quy định gì để giúp người nghèo vay vốn?

Đáp: Điều 344 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở có thể bảo đảm bằng tín chấp cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại tổ chức tín dụng để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo quy định của pháp luật”./.

Tác giả bài viết: Bé Năm (TP-HT) tổng hợp

Nguồn tin: pbgdpl.tayninh.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây