Đình Hiệp Ninh ngày nay tọa lạc tại khu phố 4, phường 2, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh.
Đình Hiệp Ninh là một công trình kiến trúc cổ còn lưu giữ nét nghệ thuật điêu khắc tinh xảo, được xây dựng trong thời kỳ mở đất khai hoang khoảng những năm 1880, thờ Thànhh bổn cảnh là người có công di dân, khai hoang lập ấp, gìn giữ đất đai, bảo vệ biên thùy. Đình Hiệp Ninh hiện nay vẫn còn lưu giữ Sắc phong do vua Khải Định năm thứ II, ban tặng ngày 18/03/1917 âm lịch (ngày 19/5/1917 dương lịch).
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 25/8/1945, đình Hiệp Ninh là nơi đã tập hợp hàng trăm thanh niên tiền phong có võ trang xuất phát đi hỗ trợ cho quần chúng ở thị xã (nay là thành phố) Tây Ninh, huyện Châu Thành, huyện Phú Khương (nay là thị xã Hòa Thành) từ nhiều hướng tuần hành, thị uy kéo về Trung tâm thị xã (nay là thành phố Tây Ninh) bao vây dinh Tỉnh trưởng, chiếm các công sở buộc chính quyền Nhật, Pháp đầu hàng. Sau đó lực lượng thanh niên tiền phong hỗ trợ cho quần chúng dưới sự lãnh đạo của Việt Minh tổ chức cuộc mít tinh lớn tại Sân vận động thị xã (nay là thành phố) Tây Ninh biểu dương lực lượng và thành lập chính quyền cách mạng dưới chỉnh thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Những năm 1954-1960 cơ sở của Tỉnh ủy, thị xã Tây Ninh đặt sát đình Hiệp Ninh (cách 50m) tại nhà ông Nguyễn Văn Đạt (Năm An). Nơi đây là cơ sở hoạt động của đồng chí Hoàng Lê Kha và các đồng chí Tỉnh ủy.
1954-1960, đình Hiệp Ninh còn là căn cứ của Tỉnh ủy Tây Ninh lúc bây giờ
Đình Hiệp Ninh đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử tại Quyết định số 1430/QĐ/BT ngày 12 tháng 10 năm 1993.
Một số hình ảnh về Đình Hiệp Ninh:
Bảo tàng Tây Ninh
Tác giả bài viết: Thành Lộc (TTVH tổng hợp)
Nguồn tin: baotang.tayninh.gov.vn
Ý kiến bạn đọc