Không chỉ đơn thuần rau luộc, đậu hủ chiên… mà qua đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo của người Tây Ninh, món ăn chay đã nâng tầm thành những đặc sản tinh tế, mang hương vị đặc trưng không nơi nào có được.
Lan toả ẩm thực chay
Chỉ cần lên mạng internet gõ “món chay Tây Ninh”, đã có hơn 35,6 triệu lượt tìm kiếm xuất hiện trên Google, từ cách chế biến món ăn đơn giản đến cầu kỳ; từ quán ăn bình dân đến nhà hàng thuần chay sang trọng, hay ẩm thực chay đường phố...
Năm 2023, lần đầu tiên tỉnh Tây Ninh tổ chức lễ hội quảng bá nghệ thuật chế biến món ăn chay, sau khi được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ký Quyết định số 75 công nhận Nghệ thuật chế biến món ăn chay của tỉnh Tây Ninh là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Chỉ trong 3 ngày của lễ hội, Tây Ninh đã đón hơn 25.000 lượt khách trong và ngoài tỉnh, kể cả du khách quốc tế. Du khách đến lễ hội không chỉ thưởng thức gần 200 món ăn chay độc đáo tại 70 gian hàng, mà còn được trải nghiệm chế biến các món ăn, nghệ thuật trưng bày trái cây, hoa quả cùng 52 nghệ nhân, đầu bếp giàu kinh nghiệm.
Điểm đặc biệt, giá bán món ăn chay tại lễ hội được niêm yết tại mỗi gian hàng không quá 30.000 đồng/món. Lễ hội còn tổ chức tiệc buffet với hơn 40 món ăn chay tự chọn, giá vé cho mỗi lượt khách không quá 60.000 đồng.
Sự hiện diện của các món ăn chay tại lễ hội đã truyền cảm hứng cho những người làm ẩm thực, yêu nghệ thuật chế biến món ăn chay, mong muốn được mở cánh cửa ẩm thực chay Tây Ninh đến thị trường trong nước và quốc tế.
Xôi chiên phồng
Ngọc, một người bạn trên mạng xã hội đã nhiệt tình thết đãi các món ăn chay đặc sắc tại nhà hàng chay của cô, trong đó có món mắm điều chay thơm dịu trộn tỏi ớt cay nồng do Công ty TNHH Vương Ngọc Vegan (thị xã Hoà Thành) chế biến từ trái điều.
Ngọc chia sẻ, nói đến ẩm thực chay, cô rất ngưỡng mộ sự sáng tạo, sự kết hợp tài tình của thế hệ ông bà. Chỉ là rau xanh, củ, quả trong vườn nhà mà biến tấu thành những món chay giản đơn nhưng cực kỳ hấp dẫn, lạ miệng. “Hồi nhỏ, được bà nội cho ăn các món mít non kho, mắm đậu phộng, mắm điều, đậu hủ kho tương, sả chiên giòn... mà nhớ tới bây giờ”.
Ngọc kể, gia đình làm nghề chế biến món chay đã trên 40 năm. Bà nội là một trong 500 người hiến thân cho đạo Cao Đài, nguyện ăn chay trường để xây dựng ngôi Đền thánh. Sau này, đạo sự đã thành, bà quay về nhà lập gia đình, sinh 7 người con, ba của Ngọc là con trai út, nay tuổi đã hơn 64. Thời gian khó tạo nên những con người bền chí. Để lo gia đình, lo cho con cái có cái ăn, cái mặc, bà nội của Ngọc ngược xuôi tảo tần buôn bán.
Nghề nấu ăn chay của gia đình hình thành từ đây. Những năm tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới ở Campuchia, ba của Ngọc được đơn vị giao nhiệm vụ “anh nuôi”, lo cơm hằng ngày cho đồng đội. Mẹ Ngọc cũng yêu thích công việc nấu ăn. Có thể là gen di truyền, các món ăn chay từ đơn giản đến cầu kỳ, chỉ cần nhìn qua, “nếm” thử, Ngọc chế biến không khác một li, thậm chí ngon hơn.
Là người thích chế biến các món chay, lại ăn chay trường, hầu hết các loại thực vật, rau củ, hoa trái và các loại nấm (nấm tự nhiên và nấm trồng) Ngọc đều nghĩ ngay cách chế biến dùng trong bữa ăn hằng ngày, miễn sao không bị “ngán”. Ngọc nghĩ, nếu món ăn mặn có thịt, có cá, món ăn chay cũng có như vậy, nhưng được chế biến từ “thịt thực vật”.
Nhà hàng thuần chay Vương Ngọc Vegan thành lập nhận được sự ủng hộ rất lớn của gia đình. Không chỉ phục vụ cho thực khách các món ăn chay độc đáo như: sả chiên giòn, nấm bào ngư nướng mỡ hành, khổ qua hầm, đậu hủ chiên giòn, thịt kho... nhà hàng còn là điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm chay đặc trưng của Tây Ninh cho du khách trong và ngoài tỉnh.
Tiệc buffet chay tại Lễ hội ẩm thực chay thu hút nhiều thực khách
Riêng với trái điều, Ngọc cho biết, để không lãng phí món quà thiên nhiên trao tặng, kết hợp kinh nghiệm nấu ăn từ bà nội và mẹ, Ngọc đã chế biến trái điều chín như thực phẩm dùng hằng ngày. Trái điều tươi chín, sau khi được cắt rửa sạch sẽ, ủ muối với lượng vừa phải, lên men trong thời gian nhất định sẽ cho ra loại nước mắm mang vị ngọt của trái điều. Ngoài nước mắm, Ngọc còn chế biến mắm điều từ thịt quả điều cắt sợi, khi ăn chỉ cần trộn với tỏi, ớt, dùng làm món chấm với bánh tráng cuộn rau sống, không khác món ăn bánh tráng chấm mắm chua của người ăn mặn.
“Trong ký ức tuổi thơ của tôi, trái điều luôn hấp dẫn bởi mùi vị của nó. Giờ, không riêng sản phẩm từ trái điều, hương vị của những món ăn chay đôi khi lại là sợi dây kết nối tình thân với nhau, vì trong mỗi món ăn là nơi lưu giữ ký ức tươi đẹp của gia đình”- Ngọc bày tỏ.
Công ty Vương Ngọc Vegan đã đăng ký logo và bảo hộ thương hiệu độc quyền, các sản phẩm chay được người tiêu dùng đón nhận, phân phối rộng rãi tại các tỉnh, thành khu vực miền Trung, miền Bắc.
Kế hoạch năm mới, Ngọc đẩy mạnh sản xuất, tăng cường quảng bá, giới thiệu các món ăn chay lên nền tảng số, để người tiêu dùng biết nhiều hơn về món ăn chay, cách chế biến món chay. Ngọc còn thành lập quỹ Thiện Tâm, mỗi sản phẩm do công ty bán ra sẽ trích lại 200 đồng, số tiền này được công khai trên website công ty để góp vào các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ người nghèo.
Mắm điều chay được chế biến từ thịt trái điều cắt sợi, khi ăn chỉ cần trộn với tỏi ớt
Món chay- Nét văn hoá ẩm thực đặc sắc của vùng đất thánh
Nói đến món chay, nhiều người nghĩ ngay đến Tây Ninh- mảnh đất có bề dày lịch sử hơn 180 năm, còn được biết đến là nơi khai sinh đạo Cao Đài. Ngày cha ông đi khẩn hoang, mở đất, món ăn “không thịt, không cá” dần trở thành một trong những nét đặc trưng của văn hoá Tây Ninh, việc ăn chay của khoảng 60% dân số là tín đồ theo đạo Cao Đài trở thành thói quen lan toả sâu rộng.
Về thăm quê sau 5 năm định cư tại Canada, anh Lại Vĩnh Phúc (52 tuổi) tấm tắc khen hoài món bì cuốn, gỏi mít hầm, cà ri, khổ qua xào sả, bánh khọt nước dừa... Anh Phúc nói ăn chay trường đã mười mấy năm, sang Canada định cư, anh thèm món ăn chay ở quê nhà, nhớ gia vị Việt Nam.
Lần này, anh biết đến nhà hàng buffet chay Phước Lạc Duyên từ một người chị. Anh kể, hồi còn ở Việt Nam, bữa ăn chay rất đơn giản, chỉ rau củ, đậu hủ với tương, xào xào, nấu nấu, nêm cho vừa miệng rồi ăn qua ngày. Còn giờ, món ăn chay đã phong phú hơn ngày trước.
“Về Tây Ninh, ăn món chay nào cũng ngon. Từ khẩu vị cho đến cách chế biến, bài trí lên bàn ăn, nhìn thôi cũng đã mắt. Đây là sự trải nghiệm mới tại quê nhà sau 5 năm rời Việt Nam”. Anh Phúc cho biết anh còn giới thiệu và chế biến các món ăn chay của Tây Ninh thết đãi bạn bè ở Canada, dù không đặc sắc, không thể giỏi như thợ, nhưng đó là món ăn của quê hương Tây Ninh, nơi anh được sinh ra, lớn lên.
Dạo quanh khu vực thị xã Hoà Thành và thành phố Tây Ninh, trên những tuyến đường Ðiện Biên Phủ, Lạc Long Quân, Âu Cơ, cửa 6 Toà thánh, phường Long Hoa... đường kết nối các điểm du lịch nổi tiếng như Toà thánh Cao Đài, núi Bà Đen, sẽ dễ dàng bắt gặp những quán ăn, nhà hàng thuần chay, mà nhiều nhất là tại Hoà Thành.
Nhiều quán chay từ bình dân đến sang trọng gần như trở nên quen thuộc với người dân, như quán ăn Tri Ân, Bồ Đề, Phước Huệ, An Vegan, chay Long Hoa hay nhà hàng chay Phước Lạc Duyên… Dù là món ăn chay, nhưng mỗi nơi đều tạo cho mình phong thái riêng biệt, tinh tế và đẹp mắt.
Không phải là người trường chay, nhưng anh Ngô Trần Ngọc Quốc- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Tây Ninh luôn theo đuổi giấc mơ đưa ẩm thực chay vươn tầm thế giới. Lớn lên trong “cái nôi” đạo Cao Đài, gửi đam mê và tình yêu vào văn hoá ẩm thực chay, năm 2020, anh mở nhà hàng Phước Lạc Duyên, hầu hết các món ăn thuần chay tại nhà hàng mang hương vị đậm đà, đơn giản, tinh tế, như cái chân tình, phóng khoáng, hiếu khách của người Nam bộ.
“Nếu thiếu đi sự tinh tế, thiếu đôi bàn tay khéo léo của người thợ, món chay chỉ đơn giản là một món ăn bình thường trên mâm cơm ngày thường. Nhưng qua bàn tay của nghệ nhân, món ăn chay không chỉ đa dạng về nguyên liệu mà còn phong phú, tinh tế, đến nỗi, món chay nhưng nhìn như món mặn, chỉ khi ăn vào miệng mới phân biệt được”- anh Quốc chia sẻ.
Từ khi mở nhà hàng, anh Quốc đã mời các thợ nấu và nghệ nhân trong tỉnh đến nhà hàng hướng dẫn cách chế biến, trang trí khi bày cỗ, vừa làm phong phú thêm cho thực đơn của nhà hàng, vừa lưu giữ công thức nấu ăn, làm tư liệu quý giá về ẩm thực chay của người Tây Ninh.
Hiện tại, anh đã sưu tầm hơn 500 món ăn chay thuần tuý từ vùng đất thánh Tây Ninh. Vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, dịp Tết Nguyên đán này, anh cho biết sẽ đưa các món ăn chay Tây Ninh tham gia Lễ hội ẩm thực tết, diễn ra từ ngày 12 đến 17.2.2024 tại Nova World Phan Thiết (Bình Thuận).
“Đây là cơ hội để ẩm thực chay Tây Ninh vươn mình, không chỉ tại Phan Thiết, mà còn đến với du khách khắp nơi trên thế giới”. Anh Quốc cho biết thêm, Hiệp hội Du lịch tỉnh đang nỗ lực quảng bá giá trị của món ăn chay Tây Ninh, kết hợp thu hút du lịch thông qua việc kết nối với Hiệp hội Du lịch các tỉnh lân cận, lan toả nghệ thuật chế biến ẩm thực chay tới các vùng miền, định vị hình ảnh đất và người Tây Ninh trên bản đồ ẩm thực thế giới.
T.G
Tác giả bài viết: Thành Lộc (TTVH xã tổng hợp)
Nguồn tin: thanhpho.tayninh.gov.vn
Ý kiến bạn đọc