Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị bệnh tay chân miệng

Thứ bảy - 08/07/2023 20:38 166 0

BTNO - Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra, thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh tay chân miệng thường khiến trẻ chán ăn, bỏ ăn do tình trạng viêm loét ở miệng.

 

Trứng và sữa cung cấp nguồn đạm cần thiết cho trẻ bị tay chân miệng.
Trứng và sữa cung cấp nguồn đạm cần thiết cho trẻ bị tay chân miệng.

Bệnh tay chân miệng gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hoá. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. 

Chế độ dinh dưỡng giúp nâng cao miễn dịch cho trẻ bị tay chân miệng

Khi trẻ mắc bệnh, ngoài việc tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ, thì chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp trẻ tăng cường sức đề kháng, tăng hiệu quả điều trị bệnh từ đó nhanh hồi phục.

Phụ huynh cần cho trẻ ăn đa dạng thực phẩm, bữa ăn đủ 4 nhóm thực phẩm (nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm chất bột đường, nhóm vitamin và khoáng chất), không ăn uống quá kiêng khem để bù lại các chất dinh dưỡng và nguồn năng lượng mất đi do quá trình tiến triển của bệnh. Ưu tiên các thức ăn giàu đạm, đặc biệt các thực phẩm giàu đạm có giá trị sinh học cao như thịt, cá (như cá lóc, cá chép, cá bông lau, cá hồi, cá trích…), trứng, sữa, hải sản.

Tiếp theo, trong bữa ăn cần tăng cường rau, củ, quả có màu vàng, đỏ (như cà rốt, cà chua, bí đỏ, xoài, đu đủ, dưa hấu…) và các loại rau có lá xanh sẫm (như rau muống, rau ngót, cải bó xôi, súp lơ xanh…) vì đó là các thực phẩm chứa nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin A, vitamin C giúp trẻ tăng cường miễn dịch, nhanh lành các tổn thương. Một số loại loại quả khác cũng giàu vitamin C như ổi, bưởi, táo, lê… 

Lưu ý, khi trẻ đang bị bệnh không nên dùng các loại gia vị chua, cay, nóng như ớt, hạt tiêu, quế… việc cho trẻ ăn thực phẩm này sẽ làm cho vết loét ở miệng trẻ bị kích ứng khiến trẻ cảm thấy đau rát, khó chịu, vết loét cũng khó lành hơn. Tuyệt đối tránh các thức ăn lạ và các thức ăn mà trẻ bị dị ứng. 

Đối với trẻ mắc bệnh tay chân miệng, bị viêm loét ở niêm mạc miệng gây đau rát khi ăn uống dẫn tới trẻ chán ăn, bỏ ăn. Do đó, khi chế biến món ăn cho trẻ cần lưu ý: nên cho trẻ ăn các thức ăn nguội, mềm, lỏng, dễ tiêu như cháo, súp, sữa…; không nên ép trẻ ăn nhiều trong một bữa khiến trẻ sợ hãi hoặc dễ nôn trớ, nên thay đổi món thường xuyên và chia làm nhiều bữa nhỏ để giúp trẻ dễ ăn và ăn được nhiều hơn. Tất cả dụng cụ chế biến phải sạch sẽ, rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và khi cho trẻ ăn. Đối với trẻ còn bú mẹ cần tiếp tục cho trẻ bú và bú nhiều lần trong ngày.

Ngoài chế độ dinh dưỡng đầy đủ, khi trẻ bị tay chân miệng, phụ huynh cần cho trẻ uống đủ nước, nhất là trong giai đoạn trẻ đang sốt, nôn. Đặc biệt, cần thường xuyên vệ sinh răng miệng, vệ sinh thân thể cho trẻ; cách ly trẻ bệnh tại nhà, không cho trẻ đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh; phân và các chất thải của trẻ bệnh phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. 

Thực hiện tốt "3 sạch" để phòng bệnh tay chân miệng

Để chủ động phòng bệnh tay chân miệng người dân cần thực hiện tốt “3 sạch” gồm:

Bàn tay sạch: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Ăn uống sạch: thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải bảo đảm được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Ở sạch: thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Ngoài ra, không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Đình Tiến

Tác giả bài viết: Thành Lộc (TTVH xã tổng hợp)

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập15
  • Hôm nay2,308
  • Tháng hiện tại30,436
  • Tổng lượt truy cập1,337,592
LỊCH CÔNG TÁC TUẦN
hồ chí minh
Đẩy mạnh học tập làm theo HCM
van ban quy pham phap luat
chính sách mới chính phủ
gop y du thao
hop thu dien tu
tuyen truyen
cổng dữ liệu quốc gia
Chuyển đổi số Tây Ninh
VNEID
Bản đồ thể chế
Đường dây nóng tiếp nhận PAKN
Công báo Chính phủ
công báo
Trợ giúp pháp lý
Quy hoạch sử dụng đất
Công khai ngân sách
Bản đồ du lịch
Giải đáp chính sách online
1022
Hỏi đáp trực tuyến
Kiểm tra chữ ký số trên văn bản điện tử
BỘ PHÁP ĐIỂN
NỘP HỒ SƠ TRỰC TUYẾN
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây