- Trong thời gian tới, nguy cơ xảy ra các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi rất cao, nhất là các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 do tỷ lệ tiêm phòng thấp; nhiều đàn gia súc, gia cầm đã hết hoặc sắp hết thời gian miễn dịch; các loại mầm bệnh đang còn lưu hành ngoài môi trường; việc ứng dụng chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh còn hạn chế.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong hơn 9 tháng đầu năm 2023, cả nước có 18 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 11 tỉnh, số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu huỷ hơn 34.000 con; 390 ổ dịch tả heo châu Phi tại 41 tỉnh, thành phố, với hơn 14.000 con heo mắc bệnh và bị tiêu huỷ; 96 ổ dịch viêm da nổi cục tại 14 tỉnh, số trâu, bò mắc bệnh 438 con; 22 ổ dịch lở mồm long móng tại 11 tỉnh, thành phố, số gia súc mắc bệnh 753 con; 3 ổ dịch heo tai xanh tại tỉnh Cao Bằng; 5 ổ dịch bệnh nhiệt thán tại 3 tỉnh: Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên; đặc biệt, có 276 trường hợp chó, mèo nghi mắc bệnh dại đã được báo cáo tại 30 tỉnh, thành phố; có 65 người tử vong vì bệnh dại tại 27 tỉnh, thành phố.
Để chủ động phòng, chống các loại bệnh nguy hiểm, ngày 23.10, UBND tỉnh ban hành công văn yêu cầu Sở NN&PTNT chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thuỷ sản trên địa bàn tỉnh năm 2024 và kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2030. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh bố trí các nguồn lực triển khai kịp thời, có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật đã được phê duyệt.
UBND tỉnh yêu cấu các huyện, thi5 xã và thành phố tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động vận chuyển, mua bán động vật, kịp thời phát hiện, và xử lý nghiêm hành vi giấu dịch.
Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ động vật, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật ở các địa phương.
Sở Tài chính phối hợp Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh theo các kế hoạch, chương trình đã được phê duyệt.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở NN&PTNT và các đơn vị có liên quan tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức đối với chủ vật nuôi và cộng đồng về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh nguy hiểm trên vật nuôi và lợi ích của việc tiêm vaccine để phòng đầy đủ các bệnh nguy hiểm cho đàn vật nuôi.
Cục Quản lý thị trường phối hợp với các đơn vị có liên quan và chính quyền địa phương tăng cường kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép trên thị trường.
Tình trạng chó thả rong, không rọ mõm vẫn tồn tại, nguy cơ bệnh dại rất cao, gây nguy hiểm cho cộng đồng.
Các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thống kê tổng đàn, số lượng vật nuôi, triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và tiêm phòng đợt 2 năm 2023, bảo đảm đạt tối thiểu 80% tổng đàn vật nuôi tại thời điểm tiêm phòng. Đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng bệnh như vệ sinh, tiêu độc khử trùng, chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tiêm vaccine; đẩy mạnh xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.
Song song đó, cần tăng cường công tác giám sát dịch bệnh trên vật nuôi nhằm phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát hiện, ổ dịch ở phạm vi nhỏ lẻ. Ngoài ra, các địa phương phải xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ động vật mắc bệnh, động vật nghi mắc bệnh, vứt xác động vật ra môi trường dẫn đến lây lan dịch bệnh.
Minh Dương
Tác giả bài viết: Thành Lộc (TTVH xã tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc