Hoạt động thương mại điện tử vẫn đang là xu thế diễn ra mạnh ở Việt Nam. Tình trạng cá nhân, tổ chức kinh doanh trên mạng nhưng không khai báo, giấu bớt doanh thu… có thể diễn ra. Vấn đề này đã đặt ra bài toán cấp thiết cho ngành Thuế và các cơ quan chức năng về việc làm thế nào vừa tạo điều kiện thông thoáng cho thương mại điện tử hoạt động, vừa ngăn chặn việc thất thu thuế từ lĩnh vực đầy tiềm năng này.
Báo cáo công bố mới đây của Tổng cục Thuế cho biết, Cổng thông tin thương mại điện tử, đến nay đã ghi nhận 333 sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc cung cấp thông tin, trong đó có nhiều sàn chiếm thị phần lớn như: Shopee, Lazada, Sendo, Voso… Cụ thể, theo thông tin của các sàn cung cấp thì trong quý IV/2022 có 159.218 cá nhân và 31.882 tổ chức có hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tư, với 50,7 triệu lượt giao dịch và tổng giá trị giao dịch đạt 15.272 tỷ đồng. Trong quý đầu năm 2023, có 64.327 cá nhân và 22.840 tổ chức kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, với 9 tỷ lượt giao dịch và tổng giá trị giao dịch là 11.478 tỷ đồng…
Sau khoảng hơn một năm vận hành Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, tính từ tháng 3/2022 đến nay, những doanh nghiệp xuyên quốc gia đã tự nguyện đăng ký, nộp thuế, hiện có 67 nhà cung cấp nước ngoài từ nhiều quốc gia như: Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Ireland… với những tên tuổi hàng đầu thế giới như: Google, Apple, Tiktok, Samsung… thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế trực tiếp qua cổng, với số thuế 5.803 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam năm vừa qua chứng kiến tốc độ tăng trưởng khoảng 20% và đạt 16,4 tỷ USD, chi tiêu mỗi người dân ở mức 300 USD/năm. Tốc độ tăng trưởng nhanh nên khó tránh khỏi phát sinh những vấn đề như: hàng giả, hàng nhái và thất thu thuế.
Hiện nay, các cá nhân, tổ chức bán hàng trên sàn thương mại điện tử có sử dụng công cụ để làm tăng lượt giao dịch như một chiêu quảng cáo. Ngoài ra, người bán hàng cũng có dấu hiệu làm giảm doanh thu để giảm số thuế phải nộp. Cụ thể, chủ gian hàng tự đăng đơn ảo (tự đặt hàng, giao hàng cho mình và người thân) để tăng lượt tương tác nhằm cạnh tranh hút khách và nhận đánh giá gian hàng nhiều sao. Người bán hàng trên sàn thương mại điện tử thời gian đầu mới lập gian hàng thường dùng cách đặt đơn ảo, hạ giá sập sàn để cạnh tranh, lấy đánh giá được yêu thích nên doanh thu không phản ánh đúng thực tế kinh doanh, lợi nhuận thấp.
Đã có trường hợp, một người bán hàng trên sàn thương mại điện tử năm gần nhất đạt doanh thu khoảng 10 tỷ đồng, lũy kế 3 năm, doanh thu lên tới… 40 tỷ đồng nhưng chưa kê khai, đăng ký thuế. Theo tính toán của cơ quan chức năng, số thuế bị truy thu lên tới 600 triệu đồng khi thu thuế giá trị gia tăng là 1% và tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 0,5% tính trên doanh thu. Khoản tiền này còn chưa tính tiền phạt vì đăng ký thuế chậm, xuất sai thời điểm hóa đơn, chậm nộp thuế cộng thêm các tình tiết tăng nặng nếu có.
Lâu nay, ngành Thuế cũng thừa nhận thương mại điện tử là lĩnh vực thất thoát thuế khá lớn, cơ quan thuế chưa kiểm soát được hết hoạt động kinh doanh mua bán cũng như doanh thu thực tế của nhiều cá nhân, tổ chức. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, điều này đặt ra vấn đề ngành thuế cần có sự kiểm tra lại các thông tin từ báo cáo của các sàn thương mại điện tử. Từ đó công khai xem liệu có vấn đề gì sai sót hay không, có chuyện giấu doanh thu để trốn thuế hay không? Khi có những trường hợp sai phạm bị xử lý, truy thu thuế thì phải công khai rộng rãi để mang tính răn đe các hành vi tương tự có thể xảy ra.
Chỉ rõ những đặc trưng khác biệt so kinh doanh thương mại truyền thống dẫn đến thách thức cho cơ quan thuế, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) chia sẻ, cơ quan thuế gặp khó để quản lý đầy đủ các nguồn thu và các đối tượng kinh doanh không biên giới, không giới hạn về không gian, thời gian...
Đơn cử, Công ty Cổ phần Cooky có mã số thuế 0314498604 có số lượt giao dịch trong quý IV/2022 là 40.247 lượt trong khi quý I/2023 là hơn 9,034 tỷ lượt, chênh lệch lớn bất thường, gấp 225 lần số lượt giao dịch trong quý IV/2022. Sau khi rà soát, cơ quan thuế nhận thấy, Công ty Cổ phần Cooky khi gửi thông tin đến cơ quan thuế đã nhầm lẫn gửi con số lên đến hơn 9 tỷ giao dịch. Đây là lỗi do phía sàn cung cấp thông tin không chính xác, dẫn đến dữ liệu của cơ quan thuế không đúng. Do đó, cơ quan thuế thông báo cho các sàn để điều chỉnh lại thông tin, bắt đầu từ quý sau, dữ liệu gửi sẽ phải chính xác hơn. Như vậy, theo tính toán của Tổng cục Thuế, sau khi trừ đi số liệu kê khai không chính xác của Công ty CP Cooky, số lượt giao dịch qua các sàn thương mại điện tử quý I/2023 chỉ còn khoảng 47 triệu lượt.
Trước quy mô và sự phát triển bùng nổ của lĩnh vực này thời gian qua, theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, cơ quan thuế phải nắm rõ đặc điểm từng loại hình thương mại điện tử và doanh thu chủ yếu đến từ bán hàng hóa, dịch vụ; hưởng hoa hồng trên các dịch vụ; doanh thu từ việc quảng cáo, cung cấp các dịch vụ… khi đó, mới có căn cứ tính thuế. Nghĩa là, từ hạ tầng thanh toán, vận chuyển, giao nhận đều thay đổi để đáp ứng các mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực này như: dropshipping (mô hình bán hàng không cần lưu trữ hàng hóa), in theo yêu cầu (bán thiết kế theo yêu cầu), tiếp thị liên kết (giới thiệu sản phẩm/dịch vụ tới khách hàng mới thông qua gửi link)…
Bà Tạ Thị Phương Lan cho biết, trong thời gian qua, thông tin các sàn thương mại điện tử cung cấp vẫn chưa đầy đủ. Nguyên nhân là do trong một thời gian dài họ chưa phải thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin cho cơ quan thuế và cơ quan quản lý nhà nước khác thường xuyên liên tục, dẫn đến việc lưu giữ thông tin chưa tốt và cung cấp thông tin chưa được xác thực và đầy đủ. Trường hợp các sàn cung cấp thông tin không đúng và thậm chí dẫn đến tiếp tay cho tổ chức, cá nhân trên sàn trốn thuế thì họ sẽ liên đới chịu trách nhiệm. Các sàn thương mại điện tử đều phải có trách nhiệm lưu giữ thông tin của các cá nhân kinh doanh trên sàn. Ngoài việc phải phối hợp với cơ quan thuế trong quản lý thu thuế, thì họ còn phải có trách nhiệm trong quản lý tiêu dùng, tránh hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy, trách nhiệm của sàn rất lớn trong việc cung cấp thông tin, lưu giữ thông tin cho cơ quan thuế và cơ quan quản lý nhà nước khác. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp Bộ Công thương để có những giải pháp yêu cầu các sàn thương mại điện tử chấn chỉnh ngay việc lưu giữ thông tin để có thông tin xác thực cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước.
Với 3 kỳ cung cấp thông tin kể từ ngày 15/12/2022, Cổng thông tin thương mại điện tử đang lưu giữ thông tin hoạt động của khoảng 350 sàn giao dịch thương mại điện tử. Nhờ đó, ngành thuế đang nắm bắt thông tin của hơn 191.000 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn với tổng giá trị giao dịch lũy kế là 44.500 tỷ đồng. Thông tin về các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn bao gồm: tên, mã số thuế/đăng ký kinh doanh/căn cước công dân, email, số điện thoại, địa chỉ, ngành hàng, tài khoản ngân hàng, giá trị giao dịch thông qua sàn…
Đây là những dữ liệu quan trọng để cơ quan thuế có căn cứ tính thuế và quản lý những cá nhân kinh doanh tưởng như dễ dàng ẩn danh trên không gian mạng. Có lẽ, cũng chính vì lý do này mà nhiều người bán hàng trên các sàn thương mại điện tử giục giã, dò hỏi nhau để đi đăng ký thuế trước, tránh trường hợp bị cơ quan thuế mời lên làm việc, truy thu tiền thuế nhiều năm và phạt chậm nộp hàng chục triệu, hàng trăm triệu đồng, thậm chí cao hơn số thuế phải nộp.
Thực tế, trong suốt thời gian dài, ngành thuế đã ghi nhận thất thu lớn từ những “ông lớn” như: Google, Facebook, YouTube… khi số thu thuế nhà thầu thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay chỉ quanh ngưỡng 1.000 tỷ đồng trong khi doanh thu của những doanh nghiệp này là hàng tỷ USD mỗi năm. Bên cạnh đó, không ít cá nhân dễ dàng kiếm tiền nhờ kinh doanh trên mạng lại dễ “qua mặt” cơ quan thuế. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, số thuế thu từ hoạt động thương mại điện tử ngày càng tăng nhanh.
Và vấn đề này đã đặt ra bài toán cấp thiết cho ngành Thuế và các cơ quan chức năng về việc làm thế nào vừa tạo điều kiện thông thoáng nhất cho các sàn giao dịch điện tử hoạt động, vừa ngăn chặn việc thất thu thuế từ lĩnh vực đầy tiềm năng này?
Pháp luật về thuế quy định, trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân có hoạt động kinh doanh, không phân biệt có đăng ký kinh doanh hay không, không thuộc đối tượng được miễn thuế thì sẽ phải nộp thuế theo quy định của pháp luật như: thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân, lệ phí môn bài. Điều 33 Luật Quản lý thuế số 38 nêu rõ cá nhân kinh doanh phải thực hiện đăng ký thuế trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều cá nhân kinh doanh trên sàn chưa đăng ký thuế, đó có thể đã phát sinh ra các hành vi trốn thuế, lách thuế… mà cơ quan quản lý phải tính đến để giảm tình trạng hụt thu.
Và đã đến lúc, cần có chế tài xử lý “mạnh tay” để từ những “ông lớn” kinh doanh xuyên biên giới đến những người bán hàng online trên các sàn thương mại điện tử đều lo cấp tập chủ động đăng ký, nộp thuế trước khi cơ quan thuế “rà” đến tên. Bên cạnh đó, vấn đề quan trọng là các ngành quản lý thương mại điện tử, dữ liệu dân cư cần kết nối với ngành thuế để chia sẻ dữ liệu, khi đó mới có thể ngăn thất thu thuế từ lĩnh vực đầy tiềm năng này.
Minh Phương
Tác giả bài viết: Sưu tầm
Nguồn tin: dangcongsan.org.vn
Ý kiến bạn đọc