- Hoạt động tuyên truyền rộng khắp, thường xuyên đã góp phần xây dựng ý thức sử dụng điện và nâng cao kiến thức về phòng, chống cháy nổ, tai nạn điện cho người dân.
Những năm qua, hệ thống mạng lưới điện quốc gia đã phủ khắp các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới trên địa bàn tỉnh. Tốc độ phát triển nhanh chóng của mạng lưới điện và số người sử dụng điện ngày càng tăng nhưng sự hiểu biết về an toàn khi sử dụng điện vẫn còn hạn chế, nhất là khu vực nông thôn.
Nỗ lực nâng cao ý thức cho người dân
Theo số liệu thống kê của Sở Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ tai nạn về điện làm 2 người chết. Còn theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh, 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 15 vụ cháy, trong đó có 6 vụ cháy có nguyên nhân do sự cố hệ thống điện. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn xảy ra 1 vụ tai nạn sự cố điện giật làm 4 người tử vong, 1 người bị thương nhẹ và thiệt hại về tài sản. Đây là những con số nói lên thực trạng việc sử dụng điện an toàn trong sinh hoạt và sản xuất vẫn chưa được người dân, doanh nghiệp thực sự quan tâm.
Nhân viên Điện lực Tân Biên kiểm tra hệ thống điện dùng trong sản xuất của một hộ kinh doanh trên địa bàn.
Trước tình hình đó, tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 2071/UBND-KT đề nghị các đơn vị liên quan, chính quyền các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn sử dụng điện an toàn trong nhân dân, khắc phục tình trạng sử dụng điện không đúng cách, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Triển khai chỉ đạo của UBND tỉnh, đại diện Công ty Điện lực Tây Ninh cho biết, để bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định và liên tục nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân, trong suốt thời gian qua, Công ty Điện lực Tây Ninh đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để từng bước nâng cao ý thức về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả trong mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng.
Điển hình, phổ biến trên phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài truyền hình, đài truyền thanh các biện pháp, kỹ năng sử dụng điện an toàn, giảm thiểu các nguy cơ về cháy, nổ do sử dụng điện gây ra; phát tờ rơi, thư ngỏ, sổ tay PCCC về điện trong gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh và công sở… tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa tai nạn, sự cố cháy nổ liên quan đến việc sử dụng điện; khuyến cáo trên mạng xã hội cảnh báo hoả hoạn khi sử dụng điện; cảnh báo cháy rừng - nguyên nhân và cách phòng chống...
Bên cạnh đó, Công ty Điện lực Tây Ninh phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra sử dụng điện của các nhà trọ, hộ kinh doanh nhỏ và cơ sở sản xuất kinh doanh, kịp thời nhắc nhở để các cá nhân, tổ chức khắc phục các tồn tại để bảo đảm an toàn điện, giảm nguy cơ cháy nổ do điện gây ra. Đồng thời, Công ty cũng đang xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng để hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng điện an toàn ở các điểm có nguy cơ cháy nổ cao: cơ sở sản xuất vật liệu dễ cháy, nhà trọ, nhà cao tầng…
Hiệu quả từ công tác tuyên truyền
Vừa qua, Công ty Điện lực Tây Ninh tổ chức các đội hình “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng điện an toàn. Hoạt động tuyên truyền rộng khắp, thường xuyên đã góp phần xây dựng ý thức sử dụng điện và nâng cao kiến thức về phòng, chống cháy nổ, tai nạn điện cho người dân. Đây là giải pháp hiệu quả được người dân ủng hộ.
Tại địa bàn huyện Tân Biên, địa phương có số lượng hộ gia đình tham gia sản xuất nông nghiệp khá cao trên địa bàn tỉnh, Điện lực Tân Biên đã tổ chức các đội hình tuyên truyền đến các hộ gia đình trong khu dân cư; hộ gia đình có mô hình sản xuất nông nghiệp; doanh nghiệp, hộ kinh doanh vừa và nhỏ trên địa bàn huyện thực hiện công tác kiểm tra, tuyên truyền.
Theo đánh giá chung của Điện lực Tân Biên, hầu hết các hộ gia đình vẫn còn mắc những lỗi sử dụng điện không an toàn, có nguy cơ gây ra cháy, nổ hoặc tai nạn điện. Do đó, các nhân viên kỹ thuật đóng vai trò tuyên truyền viên tuyên truyền kiến thức sử dụng điện an toàn đến người dân.
Nhân viên Điện lực Tân Biên hướng dẫn người dân thiết kế hệ thống điện dùng trong sản xuất nông nghiệp.
Bà Đỗ Thị Lý, ngụ khu phố 6, thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên chia sẻ, nhà bà có 5 nhân khẩu và sử dụng điện ở mức cơ bản. Theo những thông tin tuyên truyền của nhân viên Công ty Điện lực Tây Ninh, bà nhận thấy mình vẫn còn thường xuyên mắc những lỗi sử dụng điện không an toàn như không rút chuôi cắm điện nồi cơm điện sau khi nấu chín; vừa sạc pin điện thoại vừa sử dụng; dây điện cũ bị hở chưa thay mới... “Được các anh tuyên truyền kiến thức sử dụng điện an toàn, tôi thấy mình đã có thêm nhiều kiến thức về sử dụng điện và biết cách phòng, tránh những tai nạn về điện có thể xảy ra”- bà Lý nói thêm.
Anh Lê Minh Nhịn, ngụ xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên, một hộ gia đình có mô hình sản xuất nông nghiệp trồng dưa lưới khép kín chia sẻ, để phục vụ cho việc trồng và tưới tiêu dưa lưới, gia đình anh sử dụng các thiết bị điện như máy bơm, máy nén, máy xịt và đèn chiếu sáng. Hệ thống mạng lưới điện này do anh tự tìm hiểu và thiết kế. Sau khi được đội hình tuyên truyền viên của Công ty Điện lực Tây Ninh kiểm tra, hướng dẫn, anh đã thấy được những điểm mất an toàn của hệ thống điện của gia đình mình. “Qua buổi tuyên truyền, tôi cũng học thêm nhiều kiến thức về thực hiện hệ thống điện sản xuất bảo đảm an toàn. Tôi sẽ nhanh chóng sửa chữa và cải thiện hệ thống điện sản xuất theo hướng dẫn của kỹ thuật viên, để bảo đảm an toàn cho bản thân và gia đình”- anh Nhịn chia sẻ.
Nói về các biện pháp phòng tránh tai nạn điện trong sản xuất, kinh doanh, ông Huỳnh Trần Bửu Khoa- Phó Giám đốc Điện lực Tân Biên cho biết, phòng tránh tai nạn điện trong sản xuất là việc làm rất quan trọng để bảo đảm an toàn cho người lao động và tài sản. Chủ hộ cần phải xác định các mối nguy hiểm về điện liên quan đến tất cả các dây điện, phụ kiện, máy móc, dụng cụ và thiết bị.
Trong quá trình sử dụng điện trong sản xuất, các hộ gia đình cần thực hiện các biện pháp sau để bảo đảm an toàn về điện trong quá trình lao động: khi kéo dây dẫn phía sau công-tơ phải dùng dây dẫn có tiết diện phù hợp với công suất sử dụng, dây có vỏ cách điện tốt, mối nối dây dẫn phải được quấn băng keo cách điện; đóng tiếp đất mô-tơ bơm nước, bịt kín băng keo cách điện, bảo đảm không thấm nước các đầu cosse, mối nối; công tắc, ổ cắm phải đặt nơi khô ráo và nên đặt ở vị trí cao hơn sàn khoảng 1,5m, để bảo đảm an toàn cho công nhân làm việc và tránh khả năng ngập nước rò điện; lắp đặt thiết bị bảo vệ như Circuit Breaker (CB) chống quá tải, ngắn mạch, CB chống dòng rò… để ngăn ngừa sự cố do quá tải, ngắn mạch, rò điện, điện giật cho người sử dụng; phải cắt cầu dao hoặc CB và cử người trông coi khi sửa chữa điện phía sau điện kế.
Đối với các thiết bị điện phục vụ cho sản xuất, người dân cần lưu ý: phải thực hiện đúng hướng dẫn của nhà chế tạo, phải nối đất an toàn cho vỏ thiết bị như: máy bơm nước, các loại động cơ chạy bằng điện; thường xuyên kiểm tra cách điện của vỏ thiết bị (như tróc vỏ thiết bị điện; dây điện…), dây điện bị quá tải; thiết bị điện quá cũ không còn bảo đảm an toàn… để kịp thời thay thế, sửa chữa hoặc loại bỏ nhằm tránh tình trạng bị điện hạ áp giật; dùng bút thử điện để kiểm tra các vỏ thiết bị bằng kim loại bảo đảm không bị rò điện trước khi sử dụng; lắp đặt CB chống ngắn mạch, CB chống dòng rò… để ngăn ngừa sự cố do ngắn mạch, rò điện của các thiết bị trong sản xuất.
Ngọc Bích
Tác giả bài viết: Thành Lộc (TTVH tổng hợp)
Nguồn tin: Báo Tây Ninh
Ý kiến bạn đọc