(XTB) - Trong đời sống xã hội, pháp luật có vai trò quan trọng đặc biệt, vừa là công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu, vừa tạo hành lang pháp lý an toàn, tin cậy, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, yêu cầu tăng cường vai trò của pháp luật là một tất yếu khách quan. Cùng với việc không ngừng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống trở thành yêu cầu cấp thiết, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và hiệu quả với nhiều hình thức, biện pháp phù hợp. Ngày Pháp luật là một trong những hình thức, biện pháp, là một mô hình triển khai cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu đó.
Ngày Pháp luật thực chất là mô hình bắt nguồn từ sáng kiến của cơ sở. Xuất phát từ nhu cầu đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, các tỉnh Hà Tây (trước đây), Tiền Giang, Long An... đã tổ chức triển khai mô hình này với tính chất là một ngày sinh hoạt pháp luật tập trung để cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật và sau đó được một số địa phương khác tham khảo, áp dụng. Qua theo dõi, nghiên cứu, tổng hợp việc thực hiện mô hình “Ngày pháp luật” tại các địa phương, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ (nay là Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương) đã đánh giá đây là một cách làm mới, tích cực, góp phần đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật và chỉ đạo, hướng dẫn nhân rộng mô hình này trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đa số các Bộ, ngành đã triển khai thực hiện mô hình này và bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực trong thực tế.
Xuất phát từ vai trò của pháp luật và từ những mô hình, sáng kiến về Ngày pháp luật của địa phương, kết hợp với việc nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, trong quá trình xây dựng Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, theo đề xuất của Chính phủ, Ngày Pháp luật đã chính thức được thể chế hóa trong Luật phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012.
Điều 8 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật quy định:“Ngày 09/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.
Ngày Pháp luật được tổ chức để tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, đồng thời tăng cường nhận thức cho mọi người về vai trò của luật pháp trong đời sống, tăng cường sự hiểu biết pháp luật và khả năng thực thi pháp luật trong hoạt động quản lý Nhà nước, hoạt động kinh tế - xã hội và sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Thông qua Ngày Pháp luật giúp cho mọi tổ chức, cá nhân công dân có ý thức tuân thủ pháp luật tốt hơn, là dịp để đánh giá lại những kết quả đã đạt được và những hạn chế trong hoạt động xây dựng, thực thi pháp luật; là cơ hội để tổ chức nhiều hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho cộng đồng thông qua những cách thức khác nhau. Qua đó, những người thi hành pháp luật cũng sẽ nhận được những thông tin phản hồi, những quan điểm đánh giá về các quy định pháp luật cũng như cách thức thực hiện, hiệu quả của hệ thống pháp luật đối với đời sống xã hội; từ đó hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật, cũng như cải thiện, nâng cao hoạt động của hệ thống tư pháp.
Trên thế giới, hiện có nhiều quốc gia tổ chức Ngày Pháp luật hay “Ngày Hiến pháp” như một ngày hội để “thượng tôn pháp luật”, tôn vinh Hiến pháp – đạo luật gốc của mỗi quốc gia. Hiện có khoảng 40 quốc gia lấy ngày ký, ban hành hoặc thông qua Hiến pháp để hàng năm tổ chức kỷ niệm “Ngày Hiến pháp” của mình. Trong ngày này, các luật gia, luật sư và các hiệp hội nghề nghiệp về luật tổ chức nhiều hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật trong cộng đồng nhằm tăng cường hơn nhận thức của nhân dân, học sinh, sinh viên về vị trí, vai trò tối thượng, không thể thay thế của Hiến pháp, pháp luật trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, đặc biệt là về các giá trị tự do, dân chủ, công lý, công bằng.
Ở Việt Nam, Luật phổ biến, giáo dục pháp luật quy định ngày 09/11 hàng năm là Ngày Pháp luật với dấu mốc đây là ngày ban hành bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta năm 1946, khởi đầu cho tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Là bản Hiến pháp của nền dân chủ đầu tiên của Nhà nước ta, Hiến pháp năm 1946 đã thấm nhuần, thể hiện triệt để tinh thần, tư tưởng của Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, là sự khẳng định mạnh mẽ các giá trị dân chủ, dân quyền, thượng tôn pháp luật và còn tồn tại bền vững cho đến ngày hôm nay. Các giá trị đó thể hiện tập trung nhất tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật, được kế thừa trong các bản Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992.
Ngày Pháp luật khơi dậy trong mọi cá nhân công dân ý thức về trách nhiệm, bổn phận và quyền lợi của mình mà tham gia một cách tích cực vào các sinh hoạt của đời sống chính trị và đời sống xã hội. Do vậy, Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tính tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống xã hội. Đồng thời, đây còn là mô hình để vận động, khuyến khích, kêu gọi toàn thể nhân dân chung sức, đồng lòng vì sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước, phát huy triệt để tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc cùng tích cực hành động vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Do vậy, đây còn là sự kiện chính trị, pháp lý có ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa xã hội sâu sắc.
Ngày Pháp luật với nội hàm ghi nhận ngày ban hành bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nhà nước Việt Nam thì không chỉ giới hạn chỉ là ngày 09/11, mà được coi là điểm mốc, là sợi chỉ đỏ kết nối, xuyên suốt, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư, nhắc nhở, giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật, để không chỉ là một ngày, mà phấn đấu sẽ là 365 ngày trong một năm mọi tổ chức, cá nhân tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật, thực hiện khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.
__________________
Bộ Tư pháp đã xây dựng một số khẩu hiệu để các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương tham khảo và chủ động lựa chọn khẩu hiệu tuyên truyền, phổ biến về Ngày Pháp luật Việt Nam phù hợp với nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình. Cụ thể:
- Chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản
lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.
- Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
- Mỗi đảng viên là nhân tố quan trọng lan tỏa tinh thần dân chủ và thượng tôn Hiến pháp và pháp luật đến Nhân dân.
- Mỗi công dân có ý thức thượng tôn Hiến pháp và pháp luật thì sẽ tạo nên sức mạnh của dân tộc.
- Đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày”.
- Tập trung cao nhất cho đột phá về thể chế và phát triển.
- Nhân dân là trung tâm, chủ thể trong mọi chủ trương, đường lối của Đảng.
- Xác định đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
- Việc xây dựng pháp luật phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, mọi chính sách phải hướng tới người dân, doanh nghiệp.
- Chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh.
- Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, từng bước nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp và chất lượng trong công tác xây dựng pháp luật.
Tác giả bài viết: Bé Năm
Nguồn tin: pbgdpl.tayninh.gov.vn
Ý kiến bạn đọc