HỎI – ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM
1. Hỏi: Thế nào là mại dâm?
Đáp: Mại dâm là hành vi mua dâm, bán dâm.
2. Hỏi: Mua dâm là gì?
Đáp: Mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu.
3. Hỏi: Bán dâm là gì?
Đáp: Bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác.
4. Hỏi: Hành vi bị cấm liên quan đến mại dâm bao gồm các hành vi nào?
Đáp: Hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến mại dâm bao gồm các hành vi sau đây:
- Mua dâm;
- Bán dâm;
- Chứa mại dâm;
- Tổ chức hoạt động mại dâm;
- Cưỡng bức bán dâm;
- Môi giới mại dâm;
- Bảo kê mại dâm;
- Lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm;
- Các hành vi khác liên quan đến hoạt động mại dâm theo quy định của pháp luật.
5. Hỏi: Việc thực hiện pháp luật về phòng, chống mại dâm được Nhà nước quy định như thế nào?
Đáp: Việc thực hiện pháp luật về phòng, chống mại dâm được Nhà nước quy định như sau:
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm.
- Mọi hành vi mại dâm, liên quan đến hoạt động mại dâm phải được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
6. Hỏi: Các biện pháp phòng, chống mại dâm được Nhà nước quy định như thế nào?
Đáp: Nhà nước thực hiện đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, kinh tế - xã hội, hành chính, hình sự và các biện pháp khác để phòng, chống mại dâm; kết hợp chặt chẽ các biện pháp phòng, chống mại dâm với phòng, chống ma tuý và phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS.
7. Hỏi: Gia đình có trách nhiệm gì trong phòng, chống mại dâm?
Đáp: Gia đình có trách nhiệm giáo dục các thành viên của gia đình về lối sống lành mạnh, phát huy truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình văn hóa; phối hợp với cơ quan, tổ chức và Uỷ ban nhân dân địa phương trong việc giáo dục, quản lý thành viên của gia đình có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm, tạo điều kiện để họ hoà nhập cộng đồng.
8. Hỏi: Việc phát hiện, tố giác và đấu tranh trong phòng, chống mại dâm được Nhà nước ta quy định như thế nào?
Đáp: Việc phát hiện, tố giác và đấu tranh trong phòng, chống mại dâm được Nhà nước ta quy định như sau:
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện các hành vi bị cấm liên quan đến mại dâm phải thông báo hoặc tố giác kịp thời với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi nhận được thông tin, tố giác phải kịp thời xem xét, xử lý và thông báo kết quả xử lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đó khi có yêu cầu.
- Người phát hiện, tố giác, đấu tranh phòng, chống mại dâm được bảo vệ và giữ bí mật; trường hợp bị thiệt hại tài sản thì được đền bù; nếu bị thương tích, tổn hại về sức khoẻ hoặc bị thiệt hại về tính mạng thì được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
9. Hỏi: Hình thức xử lý đối với người mua dâm được quy định như thế nào?
Đáp: Hình thức xử lý đối với người mua dâm được quy định như sau:
- Người mua dâm tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền.
- Người mua dâm người chưa thành niên hoặc biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
10. Hỏi: Hình thức xử lý đối với người bán dâm được quy định như thế nào?
Đáp: Hình thức xử lý đối với người bán dâm được quy định như sau:
- Người bán dâm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh. Người bán dâm là người nước ngoài thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo, phạt tiền, trục xuất.
- Người bán dâm biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
11. Hỏi: Việc xử lý đối với người có hành vi liên quan dến mại dâm được quy định như thế nào?
Đáp: Việc xử lý đối với người có hành vi liên quan dến mại dâm được quy định như sau:
- Người bảo kê mại dâm, góp vốn để sử dụng vào mục đích hoạt động mại dâm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Người môi giới mại dâm, chứa mại dâm, cưỡng bức bán dâm, tổ chức mại dâm, mua bán phụ nữ, trẻ em để phục vụ hoạt động mại dâm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
12. Hỏi: Việc xử lý đối với tổ chức, cá nhân lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm được quy định như thế nào?
Đáp: Việc xử lý đối với tổ chức, cá nhân lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm được quy định như sau:
- Cơ sở kinh doanh dịch vụ lợi dụng hoạt động kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm thì bị phạt tiền và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị tịch thu tang vật, phương tiện có liên quan trực tiếp đến hoạt động mại dâm, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
- Người đứng đầu cơ sở kinh doanh dịch vụ do thiếu tinh thần trách nhiệm để hoạt động mại dâm xảy ra ở cơ sở do mình quản lý thì bị xử phạt hành chính; trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
13. Hỏi: Việc xử lý đối với tổ chức, cá nhân phổ biến, tàng trữ, lưu hành các sản phẩm có nội dung và hình thức khiêu dâm được quy định như thế nào?
Đáp: Việc xử lý đối với tổ chức, cá nhân phổ biến, tàng trữ, lưu hành các sản phẩm có nội dung và hình thức khiêu dâm được quy định như sau:
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, dịch vụ văn hóa, bưu chính, viễn thông có hành vi phổ biến, tàng trữ, lưu hành hình ảnh, vật phẩm, sản phẩm, thông tin có nội dung và hình thức đồi trụy, khiêu dâm, kích động tình dục thì bị phạt tiền và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
- Người có hành vi vi phạm quy định trên thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
14. Hỏi: Cán bộ, công chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm thì bị xử lý như thế nào?
Đáp: Cán bộ, công chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm thì bị xử lý như sau:
- Người có hành vi mua dâm; bán dâm; liên quan đến mại dâm; lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm; phổ biến, tàng trữ, lưu hành các sản phẩm có nội dung và hình thức khiêu dâm là cán bộ, công chức hoặc người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thì ngoài việc bị xử lý theo quy định đối với các hành vi này còn bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để giáo dục và xử lý kỷ luật.
- Cán bộ, công chức hoặc người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm thì trong thời gian bị xử lý kỷ luật không được đề cử, ứng cử vào các cơ quan dân cử, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; không được bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm lại, bổ nhiệm vào các chức vụ tương đương hoặc cao hơn trong các cơ quan nhà nước hoặc trong lực lượng vũ trang nhân dân.
15. Hỏi: Người phạm tội chứa mại dâm thì bị xử phạt như thế nào?
Đáp: Người phạm tội chứa mại dâm thì bị phạt tù, mức thấp nhất là 01 năm, cao nhất đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
16. Hỏi: Người phạm tội môi giới mại dâm thì bị xử phạt như thế nào?
Đáp: Người phạm tội môi giới mại dâm thì bị phạt tù, mức thấp nhất là 06 tháng, cao nhất đến 15 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng./.
Tác giả bài viết: Bé Năm (TP-HT)
Nguồn tin: pbgdpl.tayninh.gov.vn
Ý kiến bạn đọc