(CTTĐTXTB) - Hiện tại, Pháp luân công không được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, mọi hành vi truyền bá, hưởng ứng dạng hình này trên lãnh thổ Việt Nam đều là trái pháp luật.
Tiếc rằng, một bộ phận công dân, trong đó có cả những người có vị thế xã hội, hoặc do nhẹ dạ cả tin, hoặc do gặp phải sự cố cuộc sống chưa tìm ra hướng giải quyết, hoặc do ngộ nhận tư tưởng, thậm chí vì bất đồng chính kiến mà lợi dụng Pháp luân công đề làm công cụ chống đối, phản động. Trong đó, tính chất lợi dụng nhằm lôi kéo quần chúng tham gia các hoạt động chống phá đã rất rõ ràng.
Điển hình năm 2014, một nhóm đối tượng Pháp luân công đã âm mưu đập phá Lăng Hồ Chủ Tịch và kéo đổ tượng đài Lê-Nin ở Hà Nội. Khi các đối tượng này bị xử lý theo quy định của Pháp luật Việt Nam, Pháp luân công đã tiến hành nhiều cuộc biểu tình phản đối trước các cơ quan Đại sứ quán và trụ sở Việt Nam ở nước ngoài.
Thêm nữa, trong quá trình vận động phát triển, tại Việt Nam phát sinh một số “điểm nóng” liên quan đến đất đai, môi trường, đối tượng xấu đã lợi dụng Pháp luân công để kích động phản đối chính quyền. Pháp luân công cũng gây ảnh hưởng khá phức tạp trong quan hệ đối ngoại của Nhà nước ta, khi một số tổ chức quốc tế gắn hoạt động này với những yêu cầu về tự do, dân chủ, nhân quyền.
Tuy nhiên, trước âm mưu, thủ đoạn thâm độc của những đối tượng lợi dụng, đại đa số người dân cũng như các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam đã lên án mạnh mẽ, vạch trần bản chất của Pháp luân công. Khẳng định đây không phải là tôn giáo, tín ngưỡng, không có giáo lý hoàn chỉnh, mà chỉ mượn danh Phật pháp, chiếm đoạt thành quả lịch sử để chuyển hóa thành của riêng mình, khiến không ít người chưa hiểu rõ mà hưởng ứng đi theo.
Bản thân Lý Hồng Chí cũng ngộ nhận là “Phật chủ”, khi hình tượng hóa mình ngồi trên đài sen, đầu tỏa ánh hào quang, sửa ngày sinh trùng với ngày sinh của Phật Thích Ca Mâu Ni. Nghị quyết Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2010 tại Thái Lan đã kêu gọi không khích lệ đi theo trường phái của Lý Hồng Chí vì đây là hoạt động mạo danh Phật giáo.
Theo các quan điểm phân tích của khoa học, một số đối tượng lợi dụng các bài tập khí công, khuếch đại về tác dụng đối với sức khỏe, kết hợp với hình thức tu tập sử dụng yếu tố tín ngưỡng, tâm linh để dẫn dụ, lôi kéo người theo và cho rằng luyện Pháp luân công chữa được mọi thứ bệnh, kể cả những bệnh hiểm nghèo mà không cần dùng thuốc, đưa ra “luận thuyết” nếu luyện tập số đông sẽ tạo ra “cộng lực”. Thực tế trên thế giới hiện vẫn chưa có bất kỳ một công bố khoa học nào công nhận tác dụng của phương pháp tu tập Pháp luân công như những gì họ quảng bá.
Tại Việt Nam, một số người có bệnh luyện Pháp luân công không những bệnh không khỏi mà còn dẫn đến tử vong, đã xảy ra ở các địa phương Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Nam… Pháp luân công còn cổ vũ “từ bỏ tình thân”, rằng chuyên tâm học theo để được “thăng cấp”, cuối cùng sẽ tu thành “Phật – Đạo – Thần”. Một số người vì mải mê tu luyện đã từ bỏ tín ngưỡng tổ tiên, làm rạn nứt các mối quan hệ gia đình và xã hội.
Cá biệt có trường hợp tu tập bị ảo giác, hoang tưởng, dẫn đến phạm tội như vụ án Phạm Thị Thiên Hà cầm đầu một nhóm tu luyện Pháp luân công đã thực hiện hành vi man rợ, giết hai người rồi cho vào bồn nhựa đổ bê tông phi tang tại Bình Dương tháng 5-2019, là một ví dụ thương tâm.
Gần đây nhất, tại Tây Ninh vào ngày 16/8/2023, ông T.V.N (SN 1971, ngụ ấp Tân Tây, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu) đã đến khu vực chợ cũ xã Hòa Hiệp, thuộc ấp Hòa Bình, xã Hòa Hiệp (huyện Tân Biên) để gặp gỡ, phát tài liệu về “pháp luân đại pháp” cho người dân ở các điểm ăn sáng, cửa hàng tạp hóa...Đến ngày 8/9, tại khu vực ngã tư Xóm Chàm, thuộc ấp Thạnh Thọ, xã Thạnh Bình, ông N. tiếp tục gặp gỡ nhiều người và người đi đường để phát tài liệu “pháp luân đại pháp”. Công an huyện Tân Biên đã thu giữ 21 cuốn tài liệu với các nội dung về phương pháp tập luyện và trích dẫn một số chính sách, hành động, một số sự kiện nổi bật liên quan đến “pháp luân công”.Tiếp đó, ngày 24/9, Công an huyện Tân Biên phát hiện ông P.V.H (SN 1961, ngụ ấp Tân Xuân, xã Tân Phú, huyện Tân Châu) đang hướng dẫn 12 người dân tập luyện cái gọi là “pháp luân công” tại ấp 1, xã Mỏ Công, huyện Tân Biên. Công an đã thu giữ 11 cuốn tài liệu có tiêu đề “chuyển pháp luân pháp giải”, “chuyển pháp luân”.
Cần phải thấy rằng, Nhà nước ta luôn đề cao quyền tự do, tín ngưỡng, được thể chế hóa trong Hiến pháp của mọi thời kỳ. Công dân có tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam được yên tâm và an toàn hành đạo theo đúng nghĩa của một đạo giáo chân chính và điều này trở thành một nguyên tắc hiến định, một trong những quyền cơ bản của con người. Các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng điển hình như Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo… đã hòa vào cuộc sống xã hội, kết tụ trong cộng đồng thành khối đại đoàn kết dân tộc. Với tinh thần “hộ quốc, an dân”, “tốt đời, đẹp đạo”, trải qua thời gian, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng đã góp phần tích cực vào công cuộc dựng nước và giữ nước, tất cả không ngoài mục tiêu phấn đấu cho một nước Việt Nam giàu mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh.
Nhưng ở hình thức nào, dù ở quốc gia nào, thì các hoạt động xã hội nói chung và tự do tôn giáo, tín ngưỡng nói riêng cũng phải được xây dựng trên tinh thần thượng tôn pháp luật, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc. Chính vì vậy, chúng ta kiên quyết không để những phần tử lợi dụng chính sách ưu việt ấy, để hoạt động bất hợp pháp, truyền bá tư tưởng huyễn hoặc, làm đảo lộn kỷ cương, luân thường, đạo lý, gây bất ổn xã hội, tổn hại đến môi trường tôn giáo, tín ngưỡng bình đẳng đã và đang được tạo lập, củng cố.
Tin tưởng rằng, mỗi người dân đều phát huy trí tuệ lành mạnh, nhận thức đúng đắn để thực hiện quyền tự do của mình trong khuôn khổ của pháp luật, vì cuộc sống ổn định cho chính mình và cho cả cộng đồng.
Tác giả bài viết: Thành Lộc (TTVH xã tổng hợp)
Nguồn tin: Bộ Công An
Ý kiến bạn đọc