Đồng chí Võ Nguyên Giáp sinh trong một gia đình nhà nho nghèo, giàu lòng yêu nước, tại vùng đất Lệ Thủy, Quảng Bình. Từ năm 1925 đến năm 1926, đồng chí tham gia phong trào học sinh ở Huế; năm 1927 tham gia Đảng Tân Việt cách mạng - đây là một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 1930, đồng chí bị địch bắt và kết án 2 năm tù. Sau khi ra tù, đồng chí tiếp tục hoạt động tuyên truyền, gây dựng cơ sở cách mạng thanh niên, học sinh. Đến năm 1936, đồng chí hoạt động trong phong trào dân chủ bán hợp pháp của Đảng ở Hà Nội, biên tập viên của một số tờ báo của Đảng như: “Tiếng nói của chúng ta”, “Tiến lên”, Tập hợp”, … đồng chí còn tham gia phong trào Đông Dương Đại hội và được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc Kỳ. Tháng 6 năm 1940, đồng chí Võ Nguyên Giáp được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử sang Trung Quốc gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Đến năm 1941, đồng chí về nước và tham gia công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở căn cứ địa Cao – Bắc – Lạng. Ngày 22 tháng 12 năm 1944, thực hiện chỉ đạo của Đảng và Bác Hồ, đồng chí thành lập đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân tại chiến khu Trần Hưng Đạo với 34 người, được trang bị 2 súng thập, 17 súng trường, 14 súng kíp và 1 súng máy. Đây là một tổ chức tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp công bố thành lập Đội Tuyên truyền giải phóng quân tại Tân Trào năm 1944
Năm 1947, đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy Chiến dịch Việt Bắc thu đông giành thắng lợi. Chiến thắng này đã khẳng định tài năng quân sự xuất chúng của đồng chí Võ Nguyên Giáp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định phong Đại tướng cho đồng chí vào ngày 28/5/1948, đưa ông trở thành vị tướng Tổng tư lệnh đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam khi mới 37 tuổi.
Năm 1950, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy Chiến dịch Biên giới thu đông giành thắng lợi, đây là minh chứng khẳng định tài thao lược và phong cách cầm quân đặc trưng của Đại tướng. Tài thao lược, phong cách cầm quân ấy đã làm nên “vị tướng huyền thoại” của Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1954, đồng chí Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Lao động tin tưởng trao cho toàn quyền chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước khi ra trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn dò: “Cho chú toàn quyền chỉ huy. Trận này chỉ được thắng không được thua vì thua là hết vốn”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ, giúp cả dân tộc Việt Nam bước sang trang sử độc lập “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được xem là một bậc thầy về quân sự mà không qua đào tạo bởi một trường lớp nào, một thiên tài về chiến tranh du kích trong lịch sử. Đại tướng là 1 trong 10 vị tướng vĩ đại nhất do Hội đồng khoa học Hoàng gia Anh công nhận vào tháng 2 năm 1984. Khi nhắc tới Đại tướng, học giả người Mỹ Stanley Karnow (1925 - 2013) là người có mặt tại Việt Nam từ năm 1959, và là tác giả quyển sách nổi tiếng "Vietnam: A History" xuất bản năm 1983 đã có nhận định như sau: "Tướng Giáp là một người đặc biệt. Ông vừa là một nhà hoạch định chính sách, vừa là một sĩ quan trên chiến trường. Người Pháp đã từng gọi ông là "trái núi lửa phủ băng". Ông là một người đàn ông lịch thiệp, luôn có chút hài hước khi trò chuyện. Ông ấy đặc biệt thông minh và có một kiểu bặt thiệp "rất Pháp" và "Sau Hồ Chí Minh, ông là nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 20. Ông ấy giống như một vị thánh. Không có gì khiến ông phải chấp nhận thất bại". Là một vị tướng từng thất bại trước Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tướng De Castries - Chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm kiêm chỉ huy cao nhất của quân Pháp trong trận đánh Điện Biên Phủ đã bày tỏ sự thán phục tài cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi nhắc tới chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông nói: "Tướng Giáp là một người thông minh, dũng cảm, một người giỏi chỉ huy du kích. Ông ấy cũng giỏi về chính trị, về chủ nghĩa cộng sản. Chúng tôi đã thấy rõ điều đó. Nay qua trận Điện Biên Phủ, tôi thấy Tướng Giáp không những giỏi về chỉ huy đánh du kích, mà còn giỏi cả về chỉ huy trận địa chiến, chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng và cả về nghi binh đánh lừa tình báo đối phương”. Nói thêm về tài điều quân linh hoạt và sáng suốt của Tướng Giáp trong trận đánh Điện Biên Phủ, Tướng De Castries phải thốt lên rằng: “Điều làm tôi hết sức ngạc nhiên là không biết Tướng Võ Nguyên Giáp đã tốt nghiệp từ những trường, học viện võ bị cao cấp nào”. “Ông chỉ huy những chiến dịch tưởng chừng không thể thắng, đưa ra những quyết định mà có lẽ không một vị tướng nào dám thực hiện. Đặc biệt, Tướng Giáp rất giỏi khi tổ chức, bố trí những trận đánh du kích lấy ít địch nhiều”, Tướng De Castries nhận định.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tuy chiến tranh đã kết thúc hơn 45 năm qua, nhưng vị đại tướng 4 sao của quân đội Mỹ William Westmoreland vẫn không tin rằng mình từng thất bại tại chiến trường Việt Nam, nơi ông đã chỉ huy một lực lượng binh lính đông đảo nhất trong suốt cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Khi được nhắc tới cuộc chiến tranh tại Việt Nam, ông rất tôn trọng đối thủ của mình - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lúc bấy giờ là Bộ trưởng Quốc phòng và là Tổng tư lệnh Quân đội Việt Nam. Ông từng nhận xét về Đại tướng như sau: “Những phẩm chất làm nên một nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại là khả năng đưa ra quyết định, sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung và một trí tuệ hội tụ được những phẩm chất này. Tướng Giáp đã sở hữu tất cả”. Có thể thấy rằng, Đại tướng là một vị tướng lĩnh kiệt xuất của dân tộc Việt Nam, không chỉ nhân dân Việt Nam mà còn được đông đảo các học giả quốc tế công nhận.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp lại người dân Mường Phăng sau 40 năm giải phóng Điện Biên
Những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn khắc ghi công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội ta suy tôn đồng chí là Người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Con người, nhân cách và những cống hiến to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi in đậm trong lòng dân, là vị tướng của nhân dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc.
Tác giả bài viết: Thành Lộc (TTVH xã tổng hợp)
Nguồn tin: Báo Quân đội nhân dân
Ý kiến bạn đọc