BTN - Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Toà án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 3 năm.
Căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.
Theo đó, Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: Khi xử phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Toà án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 1 năm đến 5 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.
Trong thời gian thử thách, Toà án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó. Người được hưởng án treo không được xuất cảnh trong thời gian thử thách.
Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 2 lần trở lên, thì Toà án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Toà án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định.
Nghĩa vụ của người được hưởng án treo là có mặt theo giấy triệu tập và cam kết việc chấp hành án theo quy định; thực hiện nghiêm chỉnh cam kết trong việc tuân thủ pháp luật, nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, nơi làm việc, học tập; chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp vì lý do khách quan được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận; chịu sự giám sát, giáo dục của UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục…; hằng tháng phải báo cáo bằng văn bản với UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục về tình hình chấp hành nghĩa vụ của mình.
Người được hưởng án treo có thể vắng mặt tại nơi cư trú nếu có lý do chính đáng và phải xin phép theo quy định và phải thực hiện khai báo tạm vắng theo quy định của pháp luật về cư trú. Thời gian vắng mặt tại nơi cư trú mỗi lần không quá 60 ngày và tổng số thời gian vắng mặt tại nơi cư trú không được vượt quá một phần ba thời gian thử thách, trừ trường hợp bị bệnh phải điều trị tại cơ sở y tế theo chỉ định của bác sĩ.
Người được hưởng án treo khi vắng mặt tại nơi cư trú phải có đơn xin phép và được sự đồng ý của UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục; trường hợp không đồng ý thì UBND cấp xã, đơn vị quân đội phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Người được hưởng án treo khi đến nơi cư trú mới phải trình báo với Công an cấp xã nơi mình đến tạm trú, lưu trú; hết thời hạn tạm trú, lưu trú phải có xác nhận của UBND cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi tạm trú, lưu trú.
Trường hợp người được hưởng án treo vi phạm pháp luật, UBND cấp xã nơi người đó đến tạm trú, lưu trú phải thông báo cho UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục kèm theo tài liệu có liên quan.
Trường hợp người được hưởng án treo vi phạm nghĩa vụ thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu lập biên bản vi phạm, đồng thời yêu cầu người được hưởng án treo phải có mặt trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm.
Hết thời hạn này mà người được hưởng án treo vẫn không có mặt thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu lập biên bản vi phạm và đề nghị TAND cấp huyện nơi người được hưởng án treo cư trú, Toà án quân sự khu vực nơi người được hưởng án treo làm việc quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
UBND cấp xã được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo có nhiệm vụ, quyền hạn là lập hồ sơ, tổ chức giám sát, giáo dục người được hưởng án treo; bàn giao hồ sơ cho cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền theo quy định; yêu cầu người được hưởng án treo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình; có biện pháp giáo dục, phòng ngừa khi người đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật…
Cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp xã, đơn vị quân đội trong việc giám sát, giáo dục người được hưởng án treo. Gia đình người được hưởng án treo có trách nhiệm phối hợp trong việc giám sát, giáo dục và thông báo kết quả chấp hành án của người được hưởng án treo cho UBND cấp xã được giao giám sát, giáo dục khi có yêu cầu; phải có mặt tại cuộc họp kiểm điểm người được hưởng án treo theo yêu cầu của UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục.
Lg Ngọc Linh
Tác giả bài viết: Sưu tầm
Nguồn tin: Báo Tây Ninh
Ý kiến bạn đọc