Trong bản Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành một phần nói về vai trò của thanh niên và công tác thanh niên của Đảng. Điều này đã thể hiện tư tưởng, tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Người đối với thanh niên và công tác thanh niên của Đảng.
1. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”
Trong bản Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành một phần nói về vai trò của thanh niên và công tác thanh niên của Đảng. Điều này đã thể hiện tư tưởng, tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Người đối với thanh niên và công tác thanh niên của Đảng.
Người viết: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết” . Đây chính là sự tổng kết, đúc rút vô cùng quý báu của Người từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh niên qua các thời kỳ cách mạng để tiếp tục định hướng việc giáo dục rèn luyện và phát huy mọi tiềm năng to lớn của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
“Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” theo bản “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc bồi dưỡng lý tưởng cộng sản, giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức rèn luyện đạo đức cách mạng, đào tạo nguồn nhân lực kế tục sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa. Điều này cho thấy nhãn quan chính trị sáng suốt, tầm nhìn xa trông rộng của Người đối với vận mệnh của cả dân tộc.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn chăm lo đến việc bồi dưỡng, giáo dục thanh niên. Khi mới bắt đầu truyền chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, Người đã chọn thanh niên là đối tượng đầu tiên. Tháng 11/1924, từ Mátxcơva, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu, sáng lập ra Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, tổ chức các lớp huấn luyện chính trị đặc biệt, đào tạo bồi dưỡng những thành phần cách mạng cốt cán của thanh niên. Từ cuối năm 1925 đến tháng 4/1927, dưới sự sắp xếp và lên kế hoạch cụ thể của Nguyễn Ái Quốc, 3 đoàn thanh niên gồm 75 người từ khắp nơi trên đất nước Việt Nam đến Quảng Châu, tham gia vào lớp tập huấn chính trị, trong đó có hơn 20 người vào học quân sự tại Trường Hoàng Phố. Những thanh niên Việt Nam lần lượt đến Quảng Châu đã nhanh chóng trưởng thành trong học tập và thực tiễn đấu tranh, trở thành nòng cốt của cách mạng Việt Nam. Họ chính là những trái ngọt đầu mùa của chủ trương “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” của Người.
Từ lòng yêu thương, sự tin tưởng đối với thế hệ trẻ kết hợp với tầm nhìn chiến lược của một vị lãnh tụ thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những di sản tư tưởng có giá trị về chiến lược xây dựng thế hệ trẻ: phải coi trọng giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ có đạo đức, có tri thức văn hoá, khoa học và kỹ thuật giỏi, làm cho họ là những người kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Theo Người, “trường học của ta là trường học xã hội chủ nghĩa... Nhà trường xã hội chủ nghĩa là nhà trường: Học đi đôi với lao động. Lý luận đi với thực hành. Cần cù đi với tiết kiệm” . Đó là một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của thanh niên; làm cho họ trở thành những công dân dũng cảm, cán bộ gương mẫu, người chủ xứng đáng của đất nước. Ngay từ thời gian đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy được vai trò to lớn của gia đình, nhà trường và các tổ chức đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh niên trong việc giáo dục thanh niên. Người viết: “Trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên cần phải chú ý đến giáo dục tư tưởng, thái độ hoạt động và sinh hoạt hàng ngày của thanh niên để kịp thời khuyến khích, uốn nắn và sửa chữa” .
Với quan điểm “đạo đức là gốc của người cách mạng”, Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng cho thanh niên. Trong lần nói chuyện với thanh niên tại Đại hội sinh viên Việt Nam lần thứ II ngày 7/5/1958, Người nhấn mạnh: “Thanh niên bây giờ là một thế hệ vẻ vang, vì vậy cho nên phải tự giác tự nguyện mà tự động cải tạo tư tưởng của mình để xứng đáng với nhiệm vụ của mình. Tức là thanh niên phải có đức, có tài” .
Theo Người, thanh niên không chỉ cần được giáo dục về đạo đức mà còn cần được bồi dưỡng tri thức lý luận và văn hóa, khoa học - kỹ thuật: Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thanh niên phải vừa có đức, vừa có tài vì chính sự dốt nát là một trong những nguyên nhân cơ bản kìm hãm sự phát triển: “Dốt thì dại, dại thì hèn’ . Vì vậy, để trở thành người có trí tuệ, có tri thức, tức là có tài, bên cạnh việc trau dồi đạo đức cách mạng, thanh niên còn phải hăng hái học tập, trong đó có học tập lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Nghiên cứu, học tập lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin là nhằm trang bị và nâng cao trình độ lý luận cách mạng - ngọn đèn pha soi sáng cho hoạt động thực tiễn.
Cùng với việc học tập lý luận cách mạng, các thế hệ trẻ còn phải tích cực học tập văn hóa, khoa học - kỹ thuật...; sử dụng những tri thức đó để xây dựng xã hội mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, nhiệm vụ này quan trọng hơn bao giờ hết, bởi chúng ta đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp lạc hậu. Cụ thể hóa mục tiêu, nội dung giáo dục phù hợp với từng cấp học, Người viết: “Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà. Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế. Tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi: yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công” . Có như vậy, thế hệ trẻ mới có thể tích lũy được những tri thức cần thiết, tạo tiền đề phát huy năng lực sáng tạo, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng chủ nghĩa xã hội của dân tộc.
Trên cương vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, mặc dù bận rộn muôn vàn công việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn dành thời gian viết thư thăm hỏi, đến dự các hội nghị, đại hội, theo dõi các phong trào của thanh niên Việt Nam nhằm khuyến khích, đề cao những thành tích, những công việc mà thanh niên đã đạt được, đồng thời cũng nhẹ nhàng phê bình, chỉ ra những thiếu sót còn tồn tại. Ngày 15/10/1956, tại Đại hội đại biểu lần thứ nhất Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bác nhắc nhở trách nhiệm của tuổi trẻ với phong trào thi đua yêu nước: “... thanh niên là công dân của nước Việt Nam độc lập, tự do, có Đảng, có Đoàn của mình, có chính quyền, có mặt trận, có quân đội của mình, là người chủ tương lai của nước nhà mình. Chính vì là người chủ tương lai, cho nên toàn thể thanh niên ta phải đoàn kết chặt chẽ, phấn đấu anh dũng, vượt mọi khó khăn, thi đua giúp sức vào sự nghiệp xây dựng một nước nhà tốt đẹp - một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh...” .
Vì luôn tin tưởng, kỳ vọng vào thanh niên nên Bác cũng luôn yêu cầu thanh niên phải nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu. Ngày 24/3/1961, khi nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Bác đã nhắc nhở thanh niên “cần phải làm đầu tàu, làm gương mẫu trong phong trào thi đua yêu nước, phải thực hiện khẩu hiệu: “Đâu Đảng cần thanh niên có, việc gì khó thì thanh niên làm” . Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt dõi theo sự phát triển của phong trào “Ba sẵn sàng” - một trong những phong trào do Người phát động trong thanh niên. Ngày 25/3/1966, tại Lễ kỷ niệm lần thứ 35 ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ niềm tự hào, vui sướng trước những đóng góp to lớn của thanh niên với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người “thấy như mình trẻ lại, thấy tương lai của dân tộc ta vô cùng vững chắc và vẻ vang” .
Có thể nói, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” vừa thể hiện tình cảm, sự yêu mến và tin tưởng của Bác đối với thế hệ trẻ; vừa cho thấy tư duy biện chứng đúng đắn của Người trong việc xem xét, đánh giá vai trò của thanh niên đối với sự phát triển của đất nước. Tư tưởng về “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” thể hiện sự vĩ đại, sâu sắc trong tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với tư tưởng này, Người không chỉ thấy hiện tại mà còn thấy cả tương lai; không chỉ dành tâm huyết trước mắt cho sự nghiệp cách mạng mà còn chăm lo vun trồng cái gốc của sự nghiệp đó để nó trở nên vững bền. Ở đây, quan điểm biện chứng duy vật về sự phát triển mà Người tiếp thu từ chủ nghĩa Mác - Lênin được vận dụng một cách sáng tạo: tương lai đang ở ngay trong hiện tại. Theo Người, thanh niên chính là sự kế thừa và phát triển những giá trị tốt đẹp của các thế hệ đi trước đã tích lũy được trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc nên bồi dưỡng, giáo dục cho thanh niên là một việc làm rất cần thiết.
2. Ý nghĩa tư tưởng Hồ Chí Minh đối với việc giáo dục thanh niên Việt Nam hiện nay
Thấm nhuần và thực hiện những tư tưởng đúng đắn, sâu sắc nói trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều thế hệ cách mạng đã nhanh chóng trưởng thành, đóng góp công lao to lớn vào sự phát triển của dân tộc. Họ đã chiến đấu và chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và đi lên chủ nghĩa xã hội; đã và đang tích cực "xây dựng lại đất nước ta to đẹp hơn, đàng hoàng hơn", như mong ước cháy bỏng của Người trước khi từ biệt thế giới này.
Hiện nay, trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, thế hệ trẻ Việt Nam luôn kiên định lý tưởng xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh dày công vun trồng. Họ đã và đang chứng tỏ bản lĩnh, sức trẻ, sự sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm của mình. Họ đang ra sức tu dưỡng, học tập và rèn luyện về mọi phương diện, tích cực lao động sản xuất, tiến vào khoa học - công nghệ, để cùng với toàn Đảng, toàn dân thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhằm xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Rất nhiều phong trào thi đua, như Thanh niên tình nguyện, Thanh niên lập nghiệp, Tuổi trẻ học đường,... được đông đảo đoàn viên, thanh niên, sinh viên và học sinh hưởng ứng, thực hiện. Đảng, Nhà nước và xã hội đã có nhiều hình thức ghi nhận và tôn vinh những thanh niên, sinh viên và học sinh tiêu biểu, xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Có thể nói, thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay vẫn xứng đáng với niềm tin yêu, sự khen ngợi và kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ”.
Tuy nhiên, “do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, do sự bùng phát của lối sống thực dụng chạy theo danh lợi bất chấp đạo lý đã dẫn đến những tiêu cực trong xã hội ngày càng phổ biến. Những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội chưa được khắc phục, sự chống phá của các thế lực phản động quốc tế nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” đã tác động không nhỏ đến đời sống đạo đức công dân, ảnh hưởng lớn đến tâm tư, tình cảm, ý chí phấn đấu của sinh viên, thanh niên trí thức. Hậu quả là đã có một bộ phận thanh niên, trong đó có không ít sinh viên phai nhạt niềm tin, lý tưởng, mất phương hướng phấn đấu, không có chí lập thân, lập nghiệp; chạy theo lối sống thực dụng, sống thử, sống dựa dẫm, thiếu trách nhiệm, thờ ơ với gia đình và xã hội, sa vào nghiện ngập, hút sách, thiếu trung thực, gian lận trong thi cử, chạy điểm, chạy thầy, chạy trường, mua bằng cấp. Đây là những biểu hiện không thể coi thường” .
Do đó, để từng bước khắc phục những hạn chế kể trên, đồng thời phát huy hiệu quả của công tác giáo dục thanh niên trong bối cảnh hiện nay, cần chú ý đến những giải pháp cơ bản như sau:
Một là, xây dựng tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, thực sự là đội dự bị tin cậy của Đảng, hạt nhân chính trị của phong trào và các tổ chức thanh niên Việt Nam.
Hiện nay các tổ chức thanh niên Việt Nam có Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội sinh viên Việt Nam. Trong các tổ chức đó, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị - xã hội của thanh niên Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện. Đoàn là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên Việt Nam, trực tiếp giúp Đảng, Nhà nước thực hiện nhiệm vụ công tác thanh niên, phát động và tổ chức phong trào hành động cách mạng của thanh niên, là cầu nối giữa thanh niên với Đảng. Vì vậy, cần tập trung xây dựng tổ chức đoàn vững mạnh thực hiện tốt chức năng là đội dự bị tin cậy của Đảng Cộng sản Việt Nam; lực lượng chính trị nòng cốt trong các phong trào thanh niên và tổ chức của thanh niên, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của tuổi trẻ Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước cần thể chế hoá các quan điểm của Đảng về công tác thanh niên bằng các văn bản pháp luật, các chính sách đối với thanh niên; tăng cường quản lý Nhà nước về công tác thanh niên; xây dựng quy chế phối hợp giữa cơ quan chính quyền với tổ chức thanh niên. Tổ chức phối hợp trên quy mô toàn xã hội làm công tác thanh niên. Vai trò của các tổ chức kinh tế, xã hội trong công tác thanh niên được thể hiện ở việc chấp hành nghiêm chỉnh các quy định chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước liên quan đến thanh niên; tham gia xây dựng và hoạch định các chính sách, pháp luật về thanh niên và công tác thanh niên; tạo mọi điều kiện tham gia quản lý, bồi dưỡng giáo dục và phát huy thanh niên. Các đoàn thể xã hội cần có chương trình công tác thanh niên của tổ chức mình; xây dựng quy chế phối hợp hành động với Đoàn và các tổ chức thanh niên. Đề cao vai trò của gia đình trong việc nuôi dạy và giáo dục ý thức công dân, ý thức duy trì và phát triển nòi giống, truyền thống gia đình và tinh thần cộng đồng trách nhiệm; động viên thanh niên tích cực tham gia các hoạt động quản lý nhà nước và xã hội.
Hai là, chăm lo giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho thanh niên; tạo điều kiện cho sự phát triển toàn diện và trưởng thành của thanh niên.
Trong thời kỳ mới thanh niên là lực lượng kế thừa và tiếp nối các thế hệ cha anh xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Thanh niên là nguồn cung cấp nhân lực có chất lượng cao của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; là lực lượng xung kích đi đầu thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; là lực lượng chủ lực trong xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc, hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Để thanh niên xứng đáng với vai trò to lớn đó, cần phải chăm lo giáo dục, bồi dưỡng rèn luyện và tạo điều kiện cho sự phát triển và trưởng thành của thanh niên.
Trong tình hình hiện nay, cần đặc biệt coi trọng việc giáo dục truyền thống văn hoá, văn hiến, đoàn kết cộng đồng, rèn luyện ý chí tự lực tự cường, lòng tự tôn dân tộc, khát vọng vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao trí tuệ, không cam chịu nghèo nàn lạc hậu; giáo dục tinh thần xung kích, tình nguyện vì cộng đồng và sự phồn vinh của đất nước cho thanh niên. Giáo dục lòng yêu lao động, trân trọng sức lao động, biết hưởng thụ chính đáng, chống lối sống thực dụng; ý thức kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống, lối sống, nếp sống công tác, lao động, sinh hoạt lành mạnh, văn minh, giữ vững thuần phong mỹ tục của dân tộc, dòng họ, gia đình, đấu tranh chống lối sống ích kỷ, coi thường kỷ cương phép nước, luân thường đạo lý; nâng cao nhận thức và định hướng hành động của thanh niên trong đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội. Giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, của Đoàn. Giáo dục luật pháp và ý thức công dân, xây dựng lối sống “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, tuân thủ nội quy, quy định của tổ chức, tập thể và cộng đồng. Giáo dục tinh thần cảnh giác cách mạng, ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ công dân tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, tạo cơ hội cho mọi thanh niên được học tập, không ngừng nâng cao trình độ, có tri thức và kỹ năng, vươn lên ngang tầm với thanh niên các nước tiên tiến trên thế giới. Nâng cao chất lượng lao động trẻ, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho thanh niên. Xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, tạo điều kiện cho thanh niên nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, phát triển toàn diện. Coi trọng hơn nữa việc trọng dụng tài năng trẻ, tạo bước chuyển có tính đột phá trong bố trí và sử dụng cán bộ trẻ trên tất cả các lĩnh vực.
Trong thời đại cách mạng 4.0 hiện nay, các tổ chức Đoàn, nhất là Trung ương Đoàn cần tận dụng lợi thế của khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin trong việc tuyên truyền, giáo dục lập trường tư tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh niên qua các phương tiện truyền thông. Cần đặc biệt chú ý đến việc định hướng chính trị cho thanh niên thông qua việc tuyên truyền, phổ biến những tài liệu, bài viết về đấu tranh tư tưởng trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Cần thành lập đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông để giúp cho thanh niên có định hướng chính trị đúng đắn, tránh sa vào các luận điệu phản động, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Ngoài ra, tổ chức Đoàn các cấp cần đẩy mạnh phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tích cực nêu gương người tốt việc tốt để lan tỏa những giá trị về đạo đức cách mạng, lối sống cho thanh niên noi theo.
Ba là, bản thân mỗi thanh niên cần phải có ý thức tự giáo dục, tự rèn luyện, tu dưỡng để không ngừng hoàn thiện và phát triển, xứng đáng là người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng đến việc phát triển toàn diện cả về trí, đức, thể, mỹ cho thanh niên. Do đó, để trở thành thế hệ cách mạng cho đời sau xứng đáng với sự tin tưởng, kỳ vọng của Bác, bản thân mỗi thanh niên cần ra sức học tập, rèn luyện thể chất; tu dưỡng đạo đức; nâng cao trình độ; có lối sống giản dị, tích cực… Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, mỗi thanh niên cần trang bị cho mình nền tảng lý luận vững chắc cùng những tri thức khoa học mới; khắc phục triệt để bệnh “lười” học tập lý luận chính trị. Đó là cách mỗi thanh niên củng cố tri thức, nâng cao bản lĩnh chính trị, luôn kiên định với con đường cách mạng của Đảng và luôn vững vàng trước sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch.
Ngoài ra, mỗi thanh niên luôn nêu cao tinh thần tiên phong, xung kích; luôn đi đầu trong học tập để lập thân, lập nghiệp; lao động, sản xuất để khẳng định bản thân; nhất là trong các hoạt động xã hội như tình nguyện, về nguồn, đền ơn đáp nghĩa… Với phương châm “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”; với sức trẻ, lòng nhiệt huyết và tinh thần cách mạng, mỗi thanh niên cần tiên phong trong mọi hoạt động vì cộng đồng; không ngại khó, ngại khổ; không trốn tránh trách nhiệm với gia đình và xã hội.
Như vậy, tư tưởng “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” chính là tinh thần xuyên suốt trong “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thanh niên và công tác thanh niên của Đảng. Quán triệt và thực hiện “Di chúc” của Người, cần phải đặc biệt chăm lo bồi dưỡng, giáo dục rèn luyện thanh niên có bản lĩnh chính trị, có phẩm chất đạo đức, có năng lực để xứng đáng với vai trò là
người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên” như Bác đã căn dặn.
TS. Lê Thị Chiên - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Tác giả bài viết: Nhân Phụng (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc