Trang 43 Factory cho rằng, cà phê là loại thức uống quen thuộc có mặt ở khắp Việt Nam.
Tại Việt Nam, thực khách có thể uống cà phê ở những cửa hàng tấp nập ven đường hay những cửa hàng nhỏ bình dị ẩn mình trong góc phố Việt Nam. Văn hóa cà phê Việt Nam được hiểu là sự kết nối.
Văn hóa cà phê Việt trở thành phong cách sống. Ảnh: 43 Factory
Cà phê trở thành phong cách sống
Theo trang 43 Factory, người dân Pháp đã mang cà phê đến Việt Nam vào thế kỷ 19. Hạt cà phê chính lúc bấy giờ là Robusta. Cà phê đã ảnh hưởng đến văn hóa thưởng thức của người dân Việt Nam từ lâu đời.
Sự bùng nổ của văn hóa cà phê cũng đã kéo dài hàng chục năm từ những năm 90 cho đến nay. Cà phê đã trở thành thức uống giải khát đơn giản như một phong cách sống điển hình của người Việt Nam.
Và sở thích uống cà phê cũng trở thành văn hóa cà phê của người Việt Nam. Cà phê tạo nên sự kết nối giữa nhiều tầng lớp xã hội. Dù chỉ là thức uống nhưng cũng chứa đựng nội lực gắn kết mọi người lại với nhau.
Có người thích vị đắng thuần khiết chậm rãi của cà phê đen đá, có người lại thích dư vị ngọt ngào thêm chút sữa đặc béo ngậy, không ai có thể từ chối một tách cà phê khi ở Việt Nam.
Khát vọng xây dựng văn hóa mới
Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới. Vị thế này chủ yếu đến từ ngành sản xuất cà phê Robusta, ước tính chiếm khoảng 97% diện tích trồng cà phê của cả nước. Hạt Robusta vốn dễ trồng hơn hạt Arabica vì được hỗ trợ bởi điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng ở Việt Nam.
Việt Nam hiện cũng đã tìm được chỗ đứng trên thị trường quốc tế bằng cách tập trung chủ yếu vào loại cà phê Robusta giá cả phải chăng hơn. Hạt Robusta có thể có lượng caffeine lên tới gấp đôi so với hạt Arabica, khiến cà phê có vị đắng hơn. Việt Nam cũng là nước sản xuất cà phê Robusta số 1 thế giới, chiếm 35% sản lượng toàn cầu trong năm 2023–2024.
Khái niệm Specialty Coffee (cà phê đặc sản) lần đầu tiên được thảo luận tại Việt Nam vào năm 2019. Đó là hạt Arabica được trồng, chế biến và rang theo tiêu chuẩn cà phê SCA. Tiêu chuẩn SCA là một khuyến nghị chất lượng cao của Ủy ban Tiêu chuẩn. Đây là một thước đo có thể định lượng và định tính được, dựa trên thử nghiệm khoa học, thiết lập các giá trị hoặc phạm vi giá trị cho cà phê.
Tất cả các cuộc thảo luận đều nhằm mục đích thúc đẩy xuất khẩu và xây dựng thị trường nội địa cho cà phê được chỉ định trong khu vực với mục đích nâng cao hình ảnh và vị thế của Việt Nam
Ưu tiên sản xuất cà phê chất lượng cao cũng là xây dựng nền văn hóa mới. Ở đó, sự văn minh được đo bằng những tách cà phê sạch.
Ấn tượng với văn hóa cà phê Việt Nam
Ly cà phê Việt Nam. Ảnh: K8/Unsplash
Trên trang Lifestyle Asia. tác giả Eric E.Surbano đã có chuyến thăm Đà Nẵng vào năm 2023 và bày tỏ ấn tượng với văn hóa uống cà phê của người Việt Nam.
Đó là sự thật, mặc dù chắc chắn đó có thể không phải là kiểu uống giống như một vài người đã nghĩ. Người Việt Nam yêu thích cà phê. Họ sản xuất một số hạt cà phê ngon nhất trên thế giới và thích loại hạt cà phê địa phương hơn bất kỳ loại cà phê rang ưa thích nào khác. Người Việt Nam cũng có cách pha cà phê riêng. Loại phổ biến nhất chỉ đơn giản là pha với sữa đặc trong khi có những biến thể phức tạp hơn một chút như cà phê trứng và cà phê sữa dừa.
"Cà phê Việt Nam rất ngon và đậm đà (nghiêm túc mà nói, chỉ uống một cốc vào buổi sáng nếu caffeine khiến bạn khó ngủ). Nhưng sẽ không một thực khách nào nói về vị cà phê, chất lượng rang, nhiệt độ của cốc, độ sôi của nước hay bất cứ điều gì mà những người đam mê cà phê nói đến khi ngồi thưởng thức cà phê. Đơn giản, các quán cà phê là nơi trò chuyện và kết nối giữa mọi người", tác giả Eric E.Surbano viết.
Đi xuống phố và nếu bạn nhìn thấy những bộ bàn ghế nhỏ trên vỉa hè thì chắc chắn đó là quán cà phê ở Việt Nam. Những quán cà phê không hề hiếm ở Việt Nam, thậm chí là vỉa hè và mỗi quán chỉ cách nhau một hoặc hai dãy nhà. Những chiếc bàn ghế nhỏ với thực đơn đồ uống đa dạng.
Mọi người không đến quán chỉ để uống cà phê mà còn tập trung vào những câu chuyện rôm rả. Ở Đà Nẵng, người dân thường tụ tập ở những quán cà phê vào buổi chiều sau một ngày làm việc. Mọi người ngồi nói chuyện bên tách cà phê và trà.
Ở các quán, cà phê không phải là thức uống chính trừ khi bạn là người đam mê cà phê. Nhưng hầu hết các quán cà phê xuất hiện trên Instagram đều thu hút du khách và đã trở thành phong tục và thói quen ở Việt Nam.
Thưởng thức cà phê cũng tạo cơ hội cho mọi người ngồi, thường là hàng giờ, chỉ để nói chuyện.
"Trong khi internet giúp việc giao tiếp trở nên dễ dàng thì việc kết nối thực sự dường như khó thực hiện hơn. Và những quán cà phê sẽ là cơ hội tăng tương tác và trò truyền giữa mọi người với nhau", tác giả Eric E.Surbano viết.
Nguồn toquoc
Tác giả bài viết: Thành Lộc (TTVH tổng hợp)
Nguồn tin: Báo Tây Ninh
Ý kiến bạn đọc