BTN - Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đời sống có bốn mặt ngang nhau, không được tách rời và xem nhẹ một mặt nào: kinh tế, chính trị, xã hội và văn hoá.
Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu về văn hoá, về Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, từ rất sớm, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam đã xác định mối quan hệ giữa văn hoá với kinh tế và chính trị bằng một luận điểm tiêu biểu: Văn hoá không ở bên ngoài mà ở trong kinh tế và chính trị, nghĩa là tác động biện chứng và thúc đẩy lẫn nhau giữa các lĩnh vực cơ bản này của đời sống xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh, đời sống có bốn mặt ngang nhau, không được tách rời và xem nhẹ một mặt nào: kinh tế, chính trị, xã hội và văn hoá.
Gương mẫu là cách lãnh đạo tốt nhất
Hồ Chí Minh gợi mở một tư tưởng lớn: phải làm cho chính trị thấm sâu vào đời sống dân gian. Không chỉ tuyên truyền chính trị, chủ trương, đường lối, chính sách làm cho dân giác ngộ và dân tin tưởng, còn phải ra sức thực hành chính trị dân chủ, gây dựng chính thể dân chủ cộng hoà, ngày nay là nhà nước pháp quyền.
Muốn vậy, phải làm cho văn hoá, nhất là đạo đức cần, kiệm, liêm, chính của cán bộ, đảng viên và nhân dân thấm sâu vào trong hoạt động, đời sống, lối sống của mọi người, trước hết là trong Đảng, chính quyền, đoàn thể, ngày nay chúng ta gọi chung là hệ thống chính trị.
Người có hai luận điểm rất quan trọng: “Chính trị là đoàn kết và thanh khiết, thanh khiết từ nhỏ đến lớn”, “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Đó chính là sự thấm nhuần văn hoá, sự thẩm thấu văn hoá vào trong chính trị cũng như trong kinh tế và xã hội.
Ngày nay trong nhiều văn kiện, Đảng nhấn mạnh phải đầu tư cho văn hoá tương xứng với tầm vóc, ngang với đầu tư cho kinh tế, đưa văn hoá vào trong chính trị, trong Nhà nước và hệ thống chính trị.
Đó là sự nhận thức và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá trong xây dựng văn hoá chính trị, nhất là văn hoá trong Đảng, trong xây dựng Đảng về văn hoá. Hồ Chí Minh căn dặn chúng ta: “Gương mẫu là cách lãnh đạo tốt nhất”, “Một tấm gương sống còn quý hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Ngày nay, Đảng nhấn mạnh trách nhiệm nêu gương, nhất là gương đạo đức liêm chính của người đứng đầu, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hành tốt dân chủ và dân vận, tăng cường mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với dân, giữ gìn và củng cố bền chặt niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ.
Đó là một tài sản lớn, tài sản văn hoá, tạo ra tiềm năng và động lực cho sự phát triển đất nước, con người và dân tộc Việt Nam, đó cũng là giá trị và sức sống của văn hoá Việt Nam hiện đại trong đổi mới, hội nhập theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Là một nhà văn hoá lớn với tầm nhìn chiến lược, trong nhiều tác phẩm ở các thời kỳ quan trọng khác nhau, cảm quan văn hoá của Hồ Chí Minh luôn nổi bật. Trước khi Đảng ra đời, Người đã viết Đường cách mệnh (1927).
Khi Đảng đã cầm quyền, là chủ thể lãnh đạo và cầm quyền, Người viết hàng loạt tác phẩm mà tác phẩm nào cũng có sức nặng của văn hoá. Từ Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đến Quốc lệnh (1946-1947), từ Sửa đổi lối làm việc, bút danh X.Y.Z (năm 1947), Đời sống mới, bút danh Tân Sinh (năm 1947), Lời kêu gọi thi đua ái quốc (năm 1948), Dân vận (năm 1949), Thường thức chính trị (năm 1953), Cần kiệm liêm chính (năm 1958), cho đến các bài nói với văn nghệ sĩ, báo giới, trí thức trong suốt hai cuộc kháng chiến... đặc biệt những tác phẩm cuối đời, kết tinh ở Di chúc (năm 1969), Hồ Chí Minh đã dày công giáo dục toàn Đảng, toàn dân về đạo đức, về văn hoá.
Người đã tận dụng mọi khả năng, sức ảnh hưởng của văn hoá vào công việc lãnh đạo, quản lý. Đó cũng là nơi thể hiện lý luận thực tiễn của Người và của Đảng ta về văn hoá. Vì thế, nghiên cứu sự phát triển, nhận thức lý luận của Đảng về văn hoá không thể tách rời tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng như Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943, chủ nghĩa Mác và xây dựng văn hoá Việt Nam năm 1948 của Tổng Bí thư Trường Chinh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc ngâm thơ mừng xuân của các phụ lão và văn nghệ sĩ
tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ngày 5.2.1962 (mồng 1 Tết Nguyên đán Nhâm Dần)
Đạo đức là gốc của nhân cách
Quan điểm của Đảng về văn hoá qua các văn kiện, nghị quyết thời kỳ đổi mới, nhất là trong văn kiện Đại hội XIII (năm 2021) và tại Hội nghị toàn quốc của Đảng kỷ niệm 75 năm Hồ Chí Minh phát biểu về văn hoá trước khi diễn ra toàn quốc kháng chiến (1946-2021) là những minh chứng điển hình.
Ngày 24.11.1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội, trong không khí khẩn trương kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đại hội văn hoá cứu quốc khai mạc, Hồ Chí Minh đã phát biểu về văn hoá và rọi sáng con đường xây dựng nền văn hoá mới ở nước ta, còn mãi giá trị khai sáng và thúc đẩy hành động cho toàn dân tộc: Nền văn hoá mới của Việt Nam phải lấy hạnh phúc của dân tộc, của nhân dân ta làm cơ sở.
Nền văn hoá mới phải có khả năng tiếp thu mọi cái hay, cái tốt của mọi nền văn hoá khác trên thế giới; nền văn hoá mới phải có sức mạnh chống lại những thói phù hoa xa xỉ, chống quan liêu và tham nhũng...
Người kêu gọi các nhà văn hoá hãy đặc biệt quan tâm tới các thiếu niên và nhi đồng, những người chủ tương lai của xã hội. Người đã truyền đi một thông điệp: “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi”.
Tư tưởng coi văn hoá là mục tiêu, động lực của sự phát triển đã được Hồ Chí Minh nêu rõ, là nền tảng tư tưởng xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mà Đảng ta nói sau này. Văn hoá gắn liền với đổi mới, phát triển và sáng tạo thông qua hội nhập. Chính Hồ Chí Minh đã nhạy cảm về vấn đề này từ rất sớm, cho ta tầm nhìn và phương pháp hành động.
Tại Đại hội XIII, Đảng xác định phải ra sức xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị con người Việt Nam dựa trên nền tảng hệ giá trị gia đình, cái tế bào của xã hội này phải lành mạnh để xã hội, quốc gia - dân tộc, cộng đồng và từng gia đình, từng người phát triển bền vững.
Nhận thức này thực sự là một bước tiến và ở tầm chiến lược. Có một luận điểm của Hồ Chí Minh mà Đảng và nhân dân ta kế thừa, vận dụng và phát triển: Chính trị- nghĩ rộng cũng là văn hoá và văn hoá- nghĩ sâu cũng là chính trị, tất yếu phải xây dựng văn hoá chính trị.
Bản thân Bác là hiện thân mẫu mực của văn hoá chính trị, ứng xử chính trị bằng sự tinh tế của văn hoá, có tác dụng nêu gương thực hành cho tất cả chúng ta, nhất là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức...
Để xây dựng văn hoá và con người Việt Nam, Hồ Chí Minh và Đảng đặc biệt chú trọng tới nền tảng tư tưởng (ý thức hệ tiên tiến của thời đại), tới các phẩm chất trí tuệ, nhân cách mà đạo đức là gốc của nhân cách, cán bộ là cái gốc của mọi công việc, tới phát huy giá trị tinh hoa của dân tộc (yêu nước, đoàn kết, nhân ái, nghĩa tình) tới xu thế phát triển, nên phải nuôi dưỡng, phát huy nhân tài, năng lực sáng tạo, khắc phục những hạn chế, yếu kém của con người Việt Nam do những hạn chế của lịch sử để lại.
Trong điều kiện Đảng cầm quyền, Đảng thực trong sạch để thực vững mạnh là vô cùng quan trọng và có tính quyết định. Do đó, gắn liền xây dựng với chỉnh đốn Đảng, phải xây dựng Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ và đã đến lúc phải tập trung xây dựng Đảng về văn hoá, đẩy mạnh giáo dục đạo đức, phẩm giá, lương tâm, danh dự trong Đảng, nhất là trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo.
Nhận thức rõ tính tất yếu của toàn cầu hoá, của hội nhập, Đảng ta đã chủ động, tích cực hội nhập để phát triển, từ hội nhập kinh tế quốc tế đến hội nhập quốc tế, nghĩa là hội nhập văn hoá, mở rộng nhãn quan văn hoá: Thống nhất trong đa dạng, thống nhất bao hàm những khác biệt, đề cao và bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, áp dụng tiếp biến văn hoá để phát triển, thông qua tiếp xúc - giao lưu - đối thoại văn hoá.
Một vấn đề thiết thực, cốt yếu là giữ gìn bản sắc dân tộc và bản sắc văn hoá dân tộc trong bối cảnh hội nhập, xử lý mối quan hệ giữa thời cơ và thách thức trong phát triển, Hội nghị Văn hoá toàn quốc tháng 11,2021, Đảng nêu ra một thông điệp: Văn hoá còn thì dân tộc còn...
Trong hệ thống lý luận nền tảng đó có lý luận về văn hoá, dựa trên quan điểm, phương pháp mácxít, từ Đề cương về văn hoá Việt Nam và chủ nghĩa Mác với vấn đề văn hoá Việt Nam của Tổng Bí thư Trường Chinh và tầm tư tưởng chiến lược của Hồ Chí Minh về văn hoá.
Trong sự phát triển lý luận về văn hoá của Đảng, từ yêu cầu đổi mới và hội nhập trong điều kiện kinh tế thị trường, tư duy lý luận của Đảng về văn hoá còn đề cập tới xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, khắc phục bằng được sự suy thoái, xuống cấp về đạo đức trong Đảng và trong xã hội.
Việt Đông
Tác giả bài viết: Thành Lộc (TTVH xã tổng hợp)
Nguồn tin: Báo Tây Ninh
Ý kiến bạn đọc