Phát huy, giữ gìn nét đẹp văn hóa Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam

Thứ năm - 04/01/2024 14:11 176 0

Hàng năm, Tết được tổ chức vào ngày mồng 1 (hay mùng 1) tháng Giêng âm lịch trên toàn nước Việt Nam và ở một vài nước khác có cộng đồng người Việt sinh sống. Trong những ngày Tết, các gia đình sum họp bên nhau, cùng thăm hỏi người thân, dành những lời chúc mừng tốt đẹp, mừng tuổi và thờ cúng tổ tiên.

Đối với người Việt, Tết Nguyên đán hết sức quan trọng và linh thiêng, được nhiều người mong đợi, nhất là những người đi làm ăn xa nhà, trở về sum vầy cùng gia đình, tận hưởng niềm vui đoàn tụ; cùng nhau nhìn nhận lại những việc đã làm trong năm cũ, đồng thời thực hiện các tập tục văn hóa (phong tục, tập quán) tốt đẹp với gia đình, dòng họ, cộng đồng và những gì đẹp nhất, ngon nhất, tốt nhất đều được dành cho ngày Tết.

Việc làm này đã tác động sâu sắc vào tâm thức của bao thế hệ người Việt. Vì vậy, dù trải qua biết bao thời gian,nhưng những phong tục đón Tết, vui Tết cổ truyền của người Việt vẫn giữ được những nét văn hóa riêng, đậm đà bản sắc dân tộc. 

Tùy theo mỗi vùng miền hoặc theo quan niệm về tín ngưỡng, tôn giáo và phong tục tập quán khác nhau, Tết cổ truyền ở từng địa phương cũng có những nét khác nhau. Tuy nhiên, xét về tổng thể, phong tục của ngày Tết được chia làm ba khoảng thời gian, gồm: Tất niên, Giao thừa và Tân niên.

Mỗi khoảng thời gian ứng với những hoạt động như: Tống cựu nghinh tân; Đưa ông Táo về trời vào ngày 23 tháng Chạp; Gói bánh chưng, bánh tét; Chưng hoa ngày tết (đào, mai, quất…); Chưng mâm ngũ quả; Thăm viếng mộ tổ tiên, mời vong linh tổ tiên về ăn Tết với con cháu; Cúng giao thừa; Xông đất; Chúc tết và mừng tuổi ông bà, cha mẹ, họ hàng, bạn bè; Xuất hành đầu năm; Đi lễ chùa đầu năm; Hái lộc đầu xuân;…. Những phong tục mang tính linh thiêng đó đều nhằm cầu mong cho sự tốt lành, may mắn, thành công và sức khỏe trong năm mới.

Bên cạnh những phong tục linh thiêng ngày Tết, người Việt xưa còn ăn Tết, vui xuân bằng các hoạt động vui tươi, lành mạnh như: hội đánh vật, ném còn, chơi đu, bơi thuyền, chọi trâu, đua ngựa và các trò chơi dân gian khác…, thể hiện tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, gắn bó cộng đồng; hình thành, vun đắp, giữ gìn văn hóa làng xã từ đời này qua đời khác. 

Giờ khắc linh thiêng nhất của Tết Nguyên Đán là giao thừa đêm ba mươi, thời khắc trời đất giao hòa. Gia đình quây quần, sum họp đón năm mới, mọi người trò chuyện, hàn huyên về cái được, cái mất của năm qua và bàn bạc cách làm ăn sao cho năm tới tốt đẹp hơn. Ngoài ra, người dân Việt còn có phong tục xông nhà vào đêm giao thừa.

Tục chúc Tết, mừng tuổi đầu năm cũng là một mỹ tục xuất hiện từ lâu đời. Dân gian có câu: Mồng một Tết mẹ, Tết cha, Mồng hai Tết vợ, mồng ba Tết thầy. Đó là thể hiện nét đẹp văn hóa của người Việt.

Sáng mồng Một Tết, mọi người trong gia đình mặc quần áo mới, tề tựu đông đủ để thực hiện nghi lễ chúc Tết và mừng tuổi. Con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ, chúc mạnh khỏe, sống lâu. Ông bà, cha mẹ chúc con cháu làm ăn tấn tới, học hành giỏi giang. Trẻ nhỏ được mừng tuổi bằng bao lì xì đỏ trong có ít tiền mới gọi là lộc với hàm ý may mắn cả năm.

Ngày Tết, họ hàng, láng giềng, đồng nghiệp qua nhà nhau chúc Tết, tay bắt mặt mừng, thăm hỏi nhau, chuyện trò râm ran, tíu tít. Điều đó làm cho ngày Tết càng thêm ý nghĩa về sự gắn kết và chia. Mọi người mang theo những điều tốt lành suốt trong năm mới và những điều không hay trong năm cũ đều được bỏ qua để quan hệ thân tộc, quan hệ xã hội… trong năm mới tốt đẹp hơn.

Nhắc đến Tết, không thể không nhắc đến những hoạt động khác được tổ chức xung quanh ngày Tết như các trò chơi dân gian, những phiên chợ Tết, phiên chợ hoa. Các phiên chợ Tết, chợ hoa cũng được tổ chức vào mỗi dịp xuân về để tăng thêm sự rộn ràng và hương vị của ngày Tết.

Đối với người Việt Nam, ngày Tết thường diễn ra vào ba ngày chính, nhưng trước đó một tuần, người dân đã rậm rịch sắm Tết. Loài hoa đặc trưng mà người miền Bắc và miền Trung chơi Tết là hoa đào, còn người miền Nam lại chuộng hoa mai.

Mâm ngũ quả cũng là một món đồ trang trí không thể thiếu của người Việt. Đây cũng là điểm khác biệt của hai miền Nam, Bắc. Bởi vì, đặc trưng mâm ngũ quả của người Bắc là bưởi, chuối, hồng, quýt và ớt. Còn miền Nam lại là những quả: mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài….

Trong những ngày này, đi đến đâu chúng ta cũng có thể thấy được không khí rộn ràng, tất bật rất đặc trưng. Trẻ con thì háo hức vì được nghỉ học, được đi chơi, mua sắm quần áo mới.

Bên cạnh đó là tục du xuân thăm viếng danh lam thắng cảnh, lễ đền, lễ chùa trong dịp Tết. Trong những ngày Tết, mọi người tranh thủ du xuân thăm viếng danh lam thắng cảnh, thưởng ngoạn vẻ đẹp của quê hương, đất nước để tâm hồn lâng lâng thanh thản và được tiếp thêm sinh khí của mùa xuân.

Các lễ hội gắn với những đền, chùa nổi tiếng linh thiêng được Phật tử và khách thập phương từ khắp mọi miền đất nước đến thăm viếng, cầu cho quốc thái dân an, cầu phúc, cầu lộc, cầu duyên trong năm mới.

Với sự đa dạng văn hóa của các cộng đồng, chúng ta cần nhìn nhận Tết Nguyên đán là một trong những di sản văn hóa hàng đầu của dân tộc Việt Nam, xứng đáng được thấu hiểu, bảo tồn, phát huy, phát triển và quảng bá.

Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc giữ gìn và trân quý những giá trị tốt đẹp của ngày Tết cổ truyền chính là góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho mọi người Việt Nam càng thêm yêu quê hương, đất nước, càng gắn bó mật thiết với gia đình, với cộng đồng, sống có trách nhiệm hơn với quá khứ, với hiện tại và cả với tương lai. 

Và mỗi khi những nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền dân tộc được lan tỏa trong tâm hồn của mỗi người Việt Nam, thì nó sẽ trở thành nguồn lực nội sinh to lớn, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.

Ngày Tết của dân tộc Việt với rất nhiều ý nghĩa đặc biệt, những phong tục đẹp trong dịp Tết thể hiện truyền thống văn hóa, văn minh cần được các thế hệ sau trân trọng gìn giữ và phát huy, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập với thế giới hiện nay, bởi đó là linh hồn, là bản sắc độc đáo của dân tộc Việt Nam.

Tác giả bài viết: Thành Lộc (TTVH xã tổng hợp)

Nguồn tin: Cổng TTĐT Chính phủ

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập48
  • Hôm nay1,347
  • Tháng hiện tại35,405
  • Tổng lượt truy cập1,378,469
LỊCH CÔNG TÁC TUẦN
hồ chí minh
Đẩy mạnh học tập làm theo HCM
van ban quy pham phap luat
chính sách mới chính phủ
gop y du thao
hop thu dien tu
tuyen truyen
cổng dữ liệu quốc gia
Chuyển đổi số Tây Ninh
VNEID
Bản đồ thể chế
Đường dây nóng tiếp nhận PAKN
Công báo Chính phủ
công báo
Trợ giúp pháp lý
Quy hoạch sử dụng đất
Công khai ngân sách
Bản đồ du lịch
Giải đáp chính sách online
1022
Hỏi đáp trực tuyến
Kiểm tra chữ ký số trên văn bản điện tử
BỘ PHÁP ĐIỂN
NỘP HỒ SƠ TRỰC TUYẾN
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây