Mồ hôi tiết ra quá nhiều hay quá ít đều là những hiện tượng có tính bệnh lý. Theo Đông y, nguyên nhân sinh bệnh chủ yếu do thể chất âm hư hoặc là dương hư.
- Biểu hiện âm hư: Sắc mặt thường bừng đỏ từng cơn, chất lưỡi đỏ, họng khô rát, ho khan hoặc ho ít đờm; lòng bàn chân bàn tay và trước ngực thường hâm hấp nóng, hay sốt nhẹ về chiều. Mồ hôi vã ra nhiều khi nằm ngủ.
- Biểu hiện dương hư: Mồ hôi vã ra cả lúc thức, cả khi nằm ngủ... kèm theo các triệu chứng như sắc mặt không tươi hoặc trắng nhợt, lưỡi trắng nhợt; hơi gắng sức suy nghĩ hoặc vận động thể lực một chút đã mệt mỏi, hoặc thở hổn hển, bồn chồn, đánh trống ngực, chân tay lạnh và chỉ vận động một chút là mồ hôi vã ra đầm đìa.
Lá dâu non chữa “mồ hôi trộm” do “Âm hư”.
Kiêng kỵ: Đối với người âm hư cần tránh ăn quá nhiều các món xào rán béo ngậy, nhiều dầu mỡ để tránh “hỏa” tích tụ ở bên trong mà sinh bệnh. Đối với người dương hư cần tránh ăn những món ăn cay nóng kích thích tiết mồ hôi và các món sống lạnh gây tổn hại dương khí.
Bài thuốc chữa chứng mồ hôi ra quá nhiều:
1. Chữa chứng mồ hôi quá nhiều do âm hư
Bài 1: Lá dâu non 30g, sắc lấy nước, uống thay nước trong ngày.
Bài 2: Lươn 150-200g; dùng nước nóng rửa lươn cho hết nhớt, mổ bụng bỏ nội tạng, thái nhỏ, rán với chút dầu ăn hoặc mỡ cho vàng thẫm; thêm nước vào nấu canh ăn, mỗi ngày 1 lần, liên tục 3 ngày.
2. Chữa chứng mồ hôi quá nhiều do dương hư
Bài 1: Dạ dày dê (hoặc dạ dày lợn) 1 cái, gạo nếp 60g, táo tầu 15 quả (bỏ hạt); dạ dày làm sạch, gạo nếp ngâm nước một lúc cho mềm, cùng với táo nhồi vào dạ dày dê, dùng dây buộc kín lại, cho vào nồi gốm nấu cách thủy cho chín nhừ; thái nhỏ chia ra ăn trong các bữa cơm.
Bài 2: Rễ lúa nếp 60g, táo tầu 7 quả; sắc nước uống trong ngày.
Mẫu lệ vị thuốc chữa mồ hôi trộm do cơ thể suy yếu.
3. Chữa chứng mồ hôi quá nhiều do cơ thể chưa hồi phục sau khi ốm dậy
Bài 1: Lá dâu bánh tẻ 300g, ngải cứu 200g, mẫu lệ 150g. Lá dâu, ngải cứu phơi trong bóng râm cho khô, tán thành bột mịn; mẫu lệ đem nung chín tán bột, rây mịn, trộn đều với 2 thứ trên; dùng chuối tây chín bổ tư, phơi se, giã nhuyễn, trộn đều với các thứ bột thuốc làm thành viên to bằng hạt ngô; mỗi lần 7 viên, ngày uống 3 lần, uống liên tục 15 ngày là 1 liệu trình.
Bài 2: Đậu đen 30g, long nhãn 10, táo tầu 30g; tất cả rửa sạch, cho vào nồi đất, sắc nhỏ lửa khoảng 1 tiếng, chia 2 lần uống trong ngày, liên tục 15 ngày.
Bài 3: Thịt lươn 50g, gạo tẻ 100g; nấu thành cháo chia ra ăn buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ.
Bài 4: Thịt trai (hoặc thịt hến) 30g, rau hẹ 60g; thịt trai ngâm nước ấm một lúc, cho hẹ đã cắt ngắn vào, hầm chín, ăn trong các bữa cơm.
Bài 5: Rễ lúa nếp 30g, hạt sen 30g; rễ lúa nếp rửa sạch, hạt sen bóc bỏ vỏ lụa và tâm sen; sắc nhỏ lửa cho đến khi hạt sen chín nhừ; ăn hạt sen và uống nước thuốc.
Nguồn SKĐS
Tác giả bài viết: Thành Lộc (TTVH xã tổng hợp)
Nguồn tin: Báo Tây Ninh Online
Ý kiến bạn đọc