Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có Quyết định 3953QĐ-BGDĐT ban hành Thể lệ Cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" lần thứ VII (SV_STARTUP- lần thứ VII).
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" lần thứ VII được tổ chức nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên; hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển đổi số, thương mại hóa hình thành các dự án khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học; đẩy mạnh hoạt động giáo dục STEM ở cấp trung học, nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học gắn việc học tập đi đôi với thực hành.
Đồng thời tạo môi trường để học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, giải pháp, dự án khởi nghiệp tạo giá trị cho bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội; giải quyết các vấn đề của cộng đồng, xã hội, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội. Tìm kiếm các dự án, ý tưởng khởi nghiệp khả thi của học sinh, sinh viên; hỗ trợ ươm tạo để từng bước thành lập các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Đối tượng và điều kiện tham dự
Đối tượng tham dự gồm: a) Sinh viên đang học tại các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng sư phạm (gọi chung là cơ sở đào tạo); b) Học sinh các trường trung học phổ thông (THPT); khuyến khích học sinh các trường trung học cơ sở (THCS), Trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) tham dự.
Điều kiện tham dự: Đăng ký tham gia nhóm hoặc cá nhân (gọi chung là Đội thi); mỗi cá nhân chỉ được đăng ký tham gia 01 Đội thi; mỗi Đội thi tham gia không quá 05 thành viên; các Đội thi không được thay đổi thành viên khi chính thức nộp và đăng ký gửi dự án về Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT).
Sản phẩm/dịch vụ (hoặc ý tưởng) của Đội thi không thuộc danh mục các sản phẩm/dịch vụ bị cấm và không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật.
5 lĩnh vực dự thi
Bộ GDĐT cho biết, có 5 lĩnh vực dự thi gồm:
1. Công nghiệp.
2. Nông, lâm, ngư nghiệp.
3. Giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch.
4. Dịch vụ tài chính, ngân hàng.
5. Kinh doanh tạo tác động xã hội.
Cuộc thi có 3 vòng thi
1. Vòng Cơ sở: Các cơ sở đào tạo tổ chức thi hoặc thành lập Hội đồng xét chọn dự án; mỗi cơ sở đào tạo chọn tối đa 05 dự án gửi tham gia Vòng Bán kết và chịu trách nhiệm về kết quả xét chọn.
Các Sở GDĐT tổ chức thi hoặc thành lập Hội đồng xét chọn dự án; mỗi Sở GDĐT được chọn tối đa 05 dự án gửi tham gia Vòng Bán kết; riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chọn tối đa 10 dự án gửi tham gia Vòng Bán kết.
Thời gian nộp hồ sơ dự án về Bộ GDĐT: Trước 12h00 phút ngày 05/01/2025.
2. Vòng Bán kết: Bộ GDĐT thành lập Ban Giám khảo chọn: tối đa 50 dự án của sinh viên, mỗi lĩnh vực 10 dự án; tối đa 30 dự án của học sinh THCS, THPT, mỗi lĩnh vực 06 dự án để tham gia Vòng Chung kết.
Kết quả được Bộ GDĐT dự kiến công bố trước ngày 20/01/2025 tại Cổng TTĐT của Đề án 1665 tại địa chỉ dean1665.vn, Cổng TTĐT của Bộ GDĐT tại địa chỉ: moet.gov.vn và Fanpage của Chương trình: facebook.com/khoinghiepquocgiaHSSV.
3. Vòng thi Chung kết: Dự kiến diễn ra vào tháng 4/2025.
Đội thi thuyết trình, trình bày về dự án trực tiếp tại các gian hàng trong thời gian tối đa 5 phút. Ban Giám khảo chấm tối đa 10 phút đối với phần hỏi đáp.
Ban Giám khảo đánh giá kết quả của 80 dự án theo quy định.
Giải thưởng được công bố trực tiếp tại Lễ Bế mạc và Trao giải trong Ngày Hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII.
Lan Phương
Tác giả bài viết: Thành Lộc (TTVH tổng hợp)
Nguồn tin: chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc