“Cú huých” phát triển kinh tế nông thôn

Thứ hai - 17/06/2024 12:17 95 0

Nghị quyết này sẽ góp phần tạo động lực, nguồn lực đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao chất lượng, tăng cường quảng bá thương hiệu để sản phẩm OCOP tỉnh Tây Ninh vươn xa hơn trên thị trường trong và ngoài nước.

“Cú huých” phát triển kinh tế nông thôn

Nghị quyết số 73/2024/NQ-HĐND của HĐND tỉnh (Nghị quyết số 73) quy định một số nội dung chi, mức hỗ trợ thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là chương trình OCOP) trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2024-2025 được HĐND tỉnh khoá X thông qua tại kỳ họp thứ 12, có hiệu lực thi hành từ ngày 10.6.2024. Nghị quyết này sẽ góp phần tạo động lực, nguồn lực đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao chất lượng, tăng cường quảng bá thương hiệu để sản phẩm OCOP tỉnh Tây Ninh vươn xa hơn trên thị trường trong và ngoài nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm đặc sản Tây Ninh.

Mức hỗ trợ tối đa lên tới 50 triệu đồng

Các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP bao gồm các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang trại, hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh, các hội/hiệp hội, trung tâm điều hành hoặc tổ chức tương đương (đối với nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng) là những đối tượng được thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết số 73/2024/NQ-HĐND.

Các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm OCOP; hỗ trợ chi phí bao bì, tem.

Theo đó, đối với điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, chính sách của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ một lần kinh phí biển hiệu, quầy kệ, một số trang thiết bị dùng để bảo quản, trưng bày và bán sản phẩm OCOP của tỉnh Tây Ninh, với diện tích tối thiểu 20m2 và có ít nhất 50% số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh Tây Ninh/điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh Tây Ninh. Mức hỗ trợ bằng 50% tổng kinh phí xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng không quá 50.000.000 đồng/điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Đối với nội dung xây dựng và đăng ký nhãn hiệu, các sản phẩm được đánh giá phân hạng là sản phẩm OCOP 3 sao (sau khi có văn bản xác nhận của cơ quan chức năng có thẩm quyền về việc đăng ký nhãn hiệu) sẽ được hỗ trợ mức 35.000.000 đồng/nhãn hiệu/sản phẩm cùng loại.

Các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang trại và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh có sản phẩm được đánh giá, phân hạng là sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, 5 sao được hỗ trợ chi phí thiết kế, in ấn bao bì, in tem các sản phẩm OCOP. Theo đó, mức hỗ trợ cho sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 4 sao, 5 sao tương ứng với 10.000.000 đồng/sản phẩm; 20.000.000 đồng/sản phẩm; 30.000.000 đồng/sản phẩm. Mỗi sản phẩm chỉ được hỗ trợ một lần ở cùng mức độ sao được công nhận, trường hợp được công nhận nâng hạng sao thì được hưởng thêm phần chênh lệch giữa hai mức độ sao.

Cũng tại nghị quyết này, HĐND tỉnh quy định mức chi hỗ trợ tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thường niên. Đối tượng hỗ trợ là Hội đồng đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, cấp huyện; Tổ tư vấn (hoặc Tổ giúp việc) Hội đồng đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, cấp huyện tham gia hoạt động đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, huyện.

Đối với Hội đồng đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, cấp huyện, hỗ trợ 1.500.000 đồng/lần đánh giá cho chủ tịch Hội đồng; hỗ trợ 1 triệu đồng/lần đánh giá cho phó chủ tịch Hội đồng và các thành viên Hội đồng.

Đối với Tổ tư vấn (hoặc Tổ giúp việc) Hội đồng đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, cấp huyện, hỗ trợ 1 triệu đồng/lần đánh giá cho Tổ trưởng và 700.000 đồng/lần đánh giá cho thành viên.

Sản phẩm muối tôm Mr. Muối.

Thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, chương trình Mỗi xã một sản phẩm chỉ là tên gọi khái quát, không có nghĩa mỗi xã phải có một sản phẩm hoặc chỉ có một sản phẩm. Tinh thần của chương trình là làm sao để người nông dân, người dân sống ở nông thôn có thêm sản phẩm bán ra thị trường, đồng nghĩa có thu nhập, giải quyết việc làm ở khu vực nông thôn, có kinh tế khá mà không cần phải rời bỏ nông thôn.

Khai thác những điểm đặc thù, đặc sắc của mỗi vùng nông thôn và các sản phẩm, dịch vụ không chỉ nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng mà còn là cả câu chuyện về bản sắc nông thôn. Khi nói về Tây Ninh, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới muối ớt, mãng cầu, bánh tráng, dưa lưới, sầu riêng, mật ong... Những gì người ta nhớ tới trước thì phải được phát huy trước. Hiện nay, Tây Ninh đã có gần 100 sản phẩm OCOP, trong đó có những sản phẩm đạt 3 sao, 4 sao, 5 sao.

Theo Quyết định số 919/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025, phát triển sản phẩm OCOP theo hướng: có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hoá và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch của làng, xã, cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững.

Trên cơ sở quyết định này và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương, tại kỳ họp thứ 12 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khoá X thông qua Nghị quyết số 73/2024/NQ-HĐND quy định một số nội dung chi, mức hỗ trợ thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2024-2025. Đây được xem như “cú huých” tạo động lực phát triển kinh tế nông thôn và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Đình Xuân cho biết thêm: “Trước đây, tỉnh chưa có chính sách đặc thù phát triển sản phẩm OCOP, mà mới chỉ được lồng ghép trong các chương trình hỗ trợ chung với các sản phẩm, các chương trình khác. Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định rất rõ từng mức hỗ trợ điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm OCOP; hỗ trợ chi phí bao bì, tem, mức hỗ trợ lên tới 50 triệu đồng. Mức hỗ trợ này so với chu trình sản xuất, kinh doanh một sản phẩm OCOP của một doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thì có thể không lớn, nhưng cũng phần nào tạo thêm nguồn lực, động lực. Nghị quyết HĐND tỉnh ban hành với hàm ý hỗ trợ, tiếp sức cho sản phẩm OCOP vươn xa ra thị trường trong nước và quốc tế; kỳ vọng sẽ góp phần tăng số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh trong thời gian tới”.

Tuy nhiên, bên cạnh việc phát triển về số lượng, Sở NN&PTNT cũng cho rằng cần chú trọng nâng cao chất lượng, bảo vệ thương hiệu OCOP. “Một mặt vừa hỗ trợ, mặt khác phải siết chặt quy chuẩn, tiêu chuẩn, có hậu kiểm. Không phải sau khi được công nhận OCOP xong thì muốn sản xuất sao cũng được, mà cần phải tuân thủ, bảo vệ thương hiệu chung của chương trình OCOP và thương hiệu riêng của từng sản phẩm, từng cơ sở. Sở có danh sách đầy đủ các cơ sở đã đăng ký và xem xét thêm một số doanh nghiệp, cơ sở chuẩn bị đăng ký mới, bảo đảm sau khi nghị quyết có hiệu lực thi hành sẽ có hướng dẫn cụ thể để các đối tượng thụ hưởng nhanh chóng tiếp cận được chính sách, đưa nghị quyết đi vào cuộc sống”- ông Nguyễn Đình Xuân nhấn mạnh.

Phương Thuý

Tác giả bài viết: Thành Lộc (TTVH tổng hợp)

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập69
  • Thành viên online1
  • Khách viếng thăm68
  • Hôm nay990
  • Tháng hiện tại35,048
  • Tổng lượt truy cập1,378,112
LỊCH CÔNG TÁC TUẦN
hồ chí minh
Đẩy mạnh học tập làm theo HCM
van ban quy pham phap luat
chính sách mới chính phủ
gop y du thao
hop thu dien tu
tuyen truyen
cổng dữ liệu quốc gia
Chuyển đổi số Tây Ninh
VNEID
Bản đồ thể chế
Đường dây nóng tiếp nhận PAKN
Công báo Chính phủ
công báo
Trợ giúp pháp lý
Quy hoạch sử dụng đất
Công khai ngân sách
Bản đồ du lịch
Giải đáp chính sách online
1022
Hỏi đáp trực tuyến
Kiểm tra chữ ký số trên văn bản điện tử
BỘ PHÁP ĐIỂN
NỘP HỒ SƠ TRỰC TUYẾN
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây