Thúc đẩy doanh nghiệp trở thành động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng

Thứ năm - 02/01/2025 13:38 15 0

Mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước và của tỉnh.

Mở ra cơ hội phát triển cho doanh nghiệp

Theo Quy hoạch tỉnh Tây Ninh, chỉ số quay vòng vốn của các doanh nghiệp Tây Ninh đạt 0,9 lần và nhỏ hơn 1. Nghĩa là doanh nghiệp cung cấp nhiều vốn hơn nhưng doanh thu đạt được lại thấp hơn. Thêm vào đó, một lao động được trang bị 1,15 tỷ đồng, cao hơn cả Bình Dương và chênh lệch không quá đáng kể so với Bình Dương, Bình Phước và Đồng Nai. Điều đó cho thấy hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh chưa đạt hiệu quả cao.

Lãnh đạo Sở Công thương tham quan sản phẩm trưng bày tại Hội nghị kết nối giao thương trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Nguyên nhân là do chất lượng nguồn nhân lực của Tây Ninh vẫn còn thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chưa nhiều. Điều này kéo theo năng suất lao động của tỉnh cũng chỉ đạt 156 triệu đồng/lao động (cả nước 189 triệu đồng/lao động). Quy mô thị trường nhỏ, cơ hội khởi nghiệp và kinh doanh còn hạn hẹp, đơn điệu.

Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 chưa mang lại hiệu quả. Tỉnh đã ban hành Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 và lập kế hoạch thực hiện đến 2026 với tổng kinh phí hỗ trợ 234 tỷ đồng, cho thấy sự sẵn sàng của chính quyền trong hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, đối tượng được thụ hưởng chính sách quá ít, đến tháng 10.2024 chỉ mới giải ngân được 443 triệu đồng.

Công nhân làm việc tại một công ty sản xuất banh nhựa trên địa bàn huyện Gò Dầu.

Tây Ninh có vị trí địa chính trị quan trọng trong vùng Đông Nam bộ và Thành phố Hồ Chí Minh, cửa ngõ giao thương trên tuyến hành lang kinh tế Xuyên Á. Tài nguyên du lịch đa đạng với đầu tàu dẫn dắt là Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen và sự lan toả, kết nối đến các điểm du lịch lân cận có giá trị khai thác du lịch cao.

Bên cạnh đó, tuyến cao tốc quan trọng kết nối Tây Ninh với Vùng sắp được khởi công, dự kiến hoàn thành năm 2027. Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam bộ, Quy hoạch vùng Đông Nam bộ mở ra nhiều cơ hội để Tây Ninh tăng cường liên kết và phát triển lan toả từ định hướng công nghiệp - đô thị - dịch vụ của Vùng.

Thị trường được mở rộng, cơ hội khởi nghiệp nhiều hơn. Với mục tiêu phát triển vùng Đông Nam bộ trở thành trung tâm dịch vụ của khu vực Đông Nam Á về tài chính, thương mại, du lịch, giao lưu quốc tế, mở ra cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Tây Ninh.

Người tiêu dùng tham quan sản phẩm bầu hồ lô tại một chương trình xúc tiến thương mại trên địa bàn Tp Hồ Chí Minh.

Mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, tỉnh kiến tạo doanh nghiệp tiên phong, dẫn đầu, tạo nhiều cơ hội kinh doanh, xác định lĩnh vực trọng điểm, then chốt để phát triển kinh tế tỉnh gồm: khu công nghiệp, đô thị, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng sạch, chăm sóc sức khoẻ, giáo dục.... Đồng thời tập trung thu hút doanh nghiệp tiên phong, kiểu mẫu làm đầu tàu dẫn dắt, lan toả theo chuỗi.

Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh truyền thông, tăng cường hoạt động quảng bá và tiếp thị; xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, tham gia các hội nghị và triển lãm quốc tế, trong nước song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm.

Phát triển kinh tế dịch vụ theo hướng kinh tế xanh

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt 6,65 tỷ USD, vượt 2% so với kế hoạch (kế hoạch 2024 tăng 8%). Hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực đều tăng so với cùng kỳ như: chất dẻo nguyên liệu, hàng dệt may, vải các loại, phương tiện vận tải và phụ tùng… riêng nhóm xơ, sợi dệt các loại giảm. Kim ngạch nhập khẩu đạt 5,69 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu các ngành dịch vụ ước đạt 120.562 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ; trong đó doanh thu bán lẻ hàng hoá ước thực hiện 94.477 tỷ đồng, tăng 10,9% so cùng kỳ.

Mặc dù doanh thu từ hoạt động bán buôn, bán lẻ tăng trưởng qua các năm, quy mô của hoạt động thương mại của Tây Ninh vẫn còn nhỏ so với các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ. So với các tỉnh khu vực Đông Nam bộ, có thể thấy doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành Tây Ninh còn khiêm tốn. Quy mô kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành của tỉnh chưa cao. Lượng khách du lịch đến Tây Ninh so với khu vực và cả nước ở mức khá nhưng tổng thu từ khách du lịch chưa cao. Tỷ lệ khách đi theo tour còn rất thấp, chiếm chưa đến 10% tỷ lệ khách đến. Sản phẩm du lịch của tỉnh chưa đa dạng để giữ chân du khách ở lại dài ngày.

Mục tiêu phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ phát triển khu vực dịch vụ trở thành khu vực chủ chốt, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế tỉnh với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao. Khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về du lịch. Nâng cao chuỗi giá trị, tăng tỷ trọng du lịch trong GRDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; phấn đấu đến năm 2030 du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Theo đó, tỉnh hướng tới phát triển kinh tế bạc, bao gồm: sản xuất, phân phối và tiêu thụ những sản phẩm hay dịch vụ liên quan đến người cao tuổi. Tỉnh sẽ thu hút doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh các loại hình chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi như: bệnh viện, nhà dưỡng lão hoặc kinh doanh dịch vụ chăm sóc y tế tại nhà với ứng dụng theo dõi sức khoẻ; đồng thời phát triển công nghệ hỗ trợ người già như áp dụng trí tuệ nhân tạo, robot hỗ trợ theo dõi sức khoẻ, hỗ trợ khẩn cấp.

Với lợi thế bảo tồn được hệ sinh thái môi trường từ việc nắm giữ diện tích rừng tự nhiên đứng thứ 3 vùng Đông Nam bộ, có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo và sở hữu nguồn nước sạch dồi dào, Tây Ninh phù hợp phát triển các hoạt động kinh tế, xã hội, sản phẩm hướng đến hình ảnh Tây Ninh xanh. Điều này cũng phù hợp với môi trường, kinh tế xanh đang trở thành xu hướng.

Tỉnh cũng thu hút doanh nghiệp phát triển kinh tế vùng biên vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo, giảm phát thải và các dự án thân thiện môi trường; đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, giúp tăng giá trị sản phẩm, định hướng phát triển du lịch sinh thái và góp phần quan trọng trong việc phủ xanh các vùng đệm nằm giữa các khu công nghiệp và đô thị, tạo ra một môi trường sống lý tưởng.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hướng đến kinh tế đêm ở đô thị, từng bước hình thành và phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ kinh tế ban đêm như: ẩm thực, mua sắm, vui chơi giải trí… ở những khu vực có tiềm năng như khu đô thị, khu dân cư, khu du lịch để thu hút du khách.

Nhi Trần

Ưu tiên phát triển trung tâm TP. Tây Ninh. Khu vực chân núi Bà Đen - phát triển mô hình dịch vụ, giải trí, ẩm thực gắn liền với khu tham quan. Thị xã Hoà Thành (khu vực xung quanh Toà thánh Tây Ninh, khu thương mại dịch vụ, du lịch, nhà vườn sinh thái Gò Kén) với hệ thống phố đi bộ, hoạt động mua sắm như chợ đêm, thiết kế cảnh quan. Xây dựng hành lang dịch vụ đô thị kết nối TP. Tây Ninh và thị xã Hoà Thành, tạo ra một cụm du lịch dịch vụ đô thị lớn.

Tác giả bài viết: Thành Lộc - tổng hợp

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập33
  • Hôm nay787
  • Tháng hiện tại34,845
  • Tổng lượt truy cập1,377,909
LỊCH CÔNG TÁC TUẦN
hồ chí minh
Đẩy mạnh học tập làm theo HCM
van ban quy pham phap luat
chính sách mới chính phủ
gop y du thao
hop thu dien tu
tuyen truyen
cổng dữ liệu quốc gia
Chuyển đổi số Tây Ninh
VNEID
Bản đồ thể chế
Đường dây nóng tiếp nhận PAKN
Công báo Chính phủ
công báo
Trợ giúp pháp lý
Quy hoạch sử dụng đất
Công khai ngân sách
Bản đồ du lịch
Giải đáp chính sách online
1022
Hỏi đáp trực tuyến
Kiểm tra chữ ký số trên văn bản điện tử
BỘ PHÁP ĐIỂN
NỘP HỒ SƠ TRỰC TUYẾN
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây