Công ước Chống tra tấn gồm 33 điều, chia thành 03 phần với các nội dung cụ thể như sau: từ Điều 1 đến Điều 16 quy định về khái niệm tra tấn và các nghĩa vụ của các quốc gia thành viên Công ước trong việc nghiêm cấm, trừng trị, phòng ngừa các hành vi tra tấn cũng như bảo vệ nạn nhân bị tra tấn; từ Điều 17 đến Điều 24 quy định về nghĩa vụ báo cáo của các quốc gia thành viên lên Ủy ban chống tra tấn của Liên hợp quốc và thẩm quyền của Ủy ban, hoạt động của báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về chống tra tấn, quyền của các quốc gia về tuyên bố ký, phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước; từ Điều 25 đến Điều 33 gồm những quy định liên quan đến ký, phê chuẩn, gia nhập, hiệu lực và sửa đổi Công ước.
1. Khái niệm "tra tấn"
Khoản 1 Điều 1 của Công ước đưa ra định nghĩa “tra tấn” như sau: “… “tra tấn” có nghĩa là bất kỳ hành vi cố ý gây ra sự đau đớn hoặc khổ sở đối với một người về thể xác hoặc tinh thần, nhằm những mục đích thu thập thông tin hoặc sự nhận tội từ người đó hoặc một người thứ ba, trừng phạt người đó về một hành vi mà người đó hay người thứ ba đã thực hiện hoặc nghi ngờ đã thực hiện, đe dọa hoặc ép buộc người đó hay người thứ ba, hoặc vì bất kỳ lý do gì khác dựa trên sự phân biệt đối xử dưới mọi hình thức, khi mà sự đau đớn hoặc chịu đựng đó được gây ra bởi hoặc với sự xúi giục hoặc với sự đồng ý hoặc sự chấp thuận của một nhân viên công quyền hoặc người khác đang thực hiện công vụ. Khái niệm này không bao gồm sự đau đớn hoặc khổ sở là kết quả đương nhiên hoặc ngẫu nhiên của các hình phạt hợp pháp”.
Có thể hiểu “tra tấn” gồm những yếu tố cấu thành như sau:
a) Về mặt chủ quan: hành vi tra tấn phải được thực hiện một cách cố ý
Tra tấn được biểu hiện dưới nhiều hình thức như sử dụng vũ lực tác động trực tiếp lên cơ thể con người: đánh đập, đâm chém, dùng điện, để đói, khát, ăn nhạt, tra hỏi liên tục dưới sức nóng của ngọn đèn cao áp giữa những ngày nóng, oi bức, bắt cởi quần áo trong trời giá rét hoặc bằng lời nói thô bạo tác động vào tâm lý, tinh thần, tình cảm làm cho một người đau đớn, khổ sở, nhục nhã về tinh thần nhằm mục đích làm cho người đó hoặc người thứ ba sợ hãi, tinh thần suy sụp để lấy thông tin, tài liệu hoặc để bắt họ phải khai ra những gì không có thực, sai sự thật theo ý đồ của người thực hiện hành vi tra tấn hoặc để trừng phạt người đó vì những việc mà họ đã làm.
b) Về mục đích: để lấy thông tin hoặc để trừng phạt vì một việc mà người đó đã làm vì lý do công vụ. Ví dụ như trực tiếp tác động vào tinh thần của người bị tra tấn để họ phải khai báo, thú nhận, nhưng cũng có thể để tác động vào tâm lý của người thứ ba (như cha, mẹ, vợ, con, người thân khác hoặc đồng chí, đồng đội…) để họ thấy sợ hãi, lo lắng, thương xót cho người bị tra tấn mà khai báo, thú nhận hoặc đưa ra những thông tin trái với ý muốn của họ.
“Thông tin” có thể là bất kỳ loại thông tin nào mà người thực hiện hành vi tra tấn cần thu thập hoặc có thể là những thông tin liên quan đến quá trình thực thi công vụ. Nếu việc dùng vũ lực, cưỡng ép để bất cứ thông tin nào không liên quan đến công vụ của người đã thực hiện hành vi phạm tội sẽ không đúng với bản chất của khái niệm tra tấn tại Điều 1 Công ước vì nhân viên công quyền chỉ có được quyền lực công khi thực thi công vụ..
c) Về hậu quả: hậu quả của hành vi tra tấn là gây đau đớn và khổ sở nghiêm trọng cho cả tinh thần và thể xác, tâm lý của người bị tra tấn.
d) Về chủ thể: là một nhân viên công quyền hoặc một người khác nhưng dưới sự đồng ý hoặc cho phép của một nhân viên công quyền.
Ở đây có hai trường hợp như sau:
- Hành vi tra tấn do một nhân viên công quyền thực hiện;
- Hành vi tra tấn được một người khác thực hiện, người này có thể không phải là một nhân viên công quyền nhưng đang thực hiện nhiệm vụ công, hay nói cách khác là có quyền lực như nhân viên công quyền hoặc thực hiện dưới sự cho phép/đồng ý/chứng kiến của nhân viên công quyền.
Công ước không đưa ra khái niệm thế nào là một nhân viên công quyền (public official). Tuy nhiên, quy định tại Chương II Công ước Chống tra tấn, “nhân viên công quyền” có thể là bất kỳ người nào thực hiện chức năng nhà nước hay cung cấp một dịch vụ công như được định nghĩa trong pháp luật quốc gia của quốc gia thành viên và được áp dụng trong lĩnh vực pháp luật liên quan của quốc gia thành viên đó.
Công ước loại trừ sự đau đớn hay khổ sở gây ra một cách ngẫu nhiên hoặc sẵn có, không thể tránh khỏi bởi các hình phạt được pháp luật của quốc gia thành viên quy định. Tuỳ theo pháp luật của các nước khác nhau sự quy định này là khác nhau. Nhưng nhìn chung, trong một số trường hợp, để ngăn chặn một hành vi phạm tội, ngăn chặn người phạm tội bỏ trốn... pháp luật cho phép người có thẩm quyền được sử dụng vũ lực ở một mức độ nhất định để thực thi nhiệm vụ của mình. Do đó, việc áp dụng một số hình phạt được pháp luật các quốc gia cho phép như hình phạt tử hình, hình phạt roi… không bị coi là hành vi tra tấn.
Tựu chung lại, những hành vi gây ra đau đớn chỉ được coi là tra tấn khi nó được thực hiện với mục đích nhất định với thẩm quyền nhất định. Như vậy nếu có một vụ ẩu đả, đánh đập diễn ra trên đường phố chẳng hạn thì dù có thể nạn nhân bị thương tích, bị xâm hại nhưng những người thực hiện hành vi đó không theo bất kỳ một mệnh lệnh, hay dưới quyền lực của chính quyền, quân đội hay tư pháp thì đó không phải là tra tấn. Trái lại nếu một nhóm người thuộc lực lượng có thẩm quyền thực hiện hành vi như trên thì đó là tra tấn. Điểm khác biệt chính giữa một hành vi dã man đơn thuần với một hành vi tra tấn đó là ở hành vi đó được thực hiện theo một thẩm quyền và với một mục đích nhất định.
Tra tấn phải được thực hiện cố ý, trái ý muốn nạn nhân và khi nạn nhân trong tình trạng không thể tự vệ được. Như vậy trong các trường hợp những sự đau đớn nghiêm trọng được thực hiện một cách vô ý như A vô tình làm bị thương B; A cố tình làm B bị thương và B đồng ý để cho A làm bị thương mình; và trong cả trường hợp dù B không muốn A làm mình bị thương nhưng B đã có thể chống trả và tự vệ ngăn chặn lại hành vi của A thì tất cả các trường hợp này không phải là tra tấn.Trên thực tế tra tấn không thể xảy ra nếu không tước bỏ quyền tự chủ của nạn nhân trong quá trình tra tấn. Tra tấn được thực hiện với mục đích tê liệt ý chí của nạn. Ít nhất người thực hiện hành vi tra tấn sẽ cố ý thực hiện việc kiểm soát đối với cơ thể và các giác quan của nạn nhân (cụ thể là việc gây ra sự đau đớn). Qua đó cơ thể của nạn nhân không còn là của nạn nhân, thay vào đó trở thành công cụ của người tra tấn.
Cần phải phân biệt tra tấn với cưỡng ép. Trong trường hợp cưỡng ép, thì người bị cưỡng ép bị bắt phải làm những việc mình không muốn. Điều này có điểm giống với tra tấn ở chỗ lấy đi sự kiểm soát hành động và ra quyết định của nạn nhân, ví dụ trong trường hợp một vụ cướp tài sản, một người miễn cưỡng phải đưa tài sản khi bị kẻ cướp đe dọa xâm hại tính mạng. Trong ví dụ này, cưỡng ép không bắt buộc phải có yếu tố gây ra đau đớn nghiêm trọng về thể chất hay tinh thần, do vậy nó không phải là tra tấn. Và trong trường hợp cưỡng ép có sử dụng vũ lực ví dụ như công an sử dụng dụng cụ sốc điện để trấn áp đám đông biểu tình thì đây cũng không phải là tra tấn, nếu những người biểu tình không nằm dưới sự kiểm soát của cảnh sát, và họ có thể tự vệ được. Tuy nhiên, tra tấn vẫn có sự liên quan đến cưỡng ép trong nhiều trường hợp, đặc biệt khi người thực hiện hành vi tra tấn muốn tìm kiếm thông tin từ nạn nhân.
Bên cạnh đó, theo khoản 2 Điều 1 Công ước Chống tra tấn, các quốc gia thành viên được khuyến khích đưa ra định nghĩa về hành vi tra tấn rộng hơn (khoản 2 Điều 1 Công ước) định nghĩa được nêu tại Điều 1 Công ước trong pháp luật quốc gia hoặc các thỏa thuận quốc tế khác.
Tác giả bài viết: Bé Năm (TP-HT) tổng hợp
Nguồn tin: Bộ TTTT
Ý kiến bạn đọc