Các nội dung cơ bản của Công ước Chống tra tấn-Phần 3

Thứ sáu - 05/04/2024 08:43 181 0

Công ước Chống tra tấn gồm 33 điều, chia thành 03 phần với các nội dung cụ thể như sau: từ Điều 1 đến Điều 16 quy định về khái niệm tra tấn và các nghĩa vụ của các quốc gia thành viên Công ước trong việc nghiêm cấm, trừng trị, phòng ngừa các hành vi tra tấn cũng như bảo vệ nạn nhân bị tra tấn

3. Về trừng trị các hành vi tra tấn

a) Hoặc dẫn độ, hoặc truy tố

Nguyên tắc “hoặc dẫn độ, hoặc truy tố” (“aut dedere, aut judicare”) là một nguyên tắc phổ biến trong pháp luật quốc tế được sử dụng nhằm tránh bỏ lọt tội phạm. Theo nguyên tắc này, một quốc gia sẽ phải truy tố người đã thực hiện hành vi tội phạm nghiêm trọng nếu như không dẫn độ người này đến một quốc gia khác. Nguyên tắc này cũng đã được quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 6 của Công ước như sau:

“1. Khi người bị tình nghi thực hiện tội phạm quy định tại Điều 4 có mặt trên lãnh thổ của một quốc gia thành viên, sau khi kiểm tra thông tin về vụ việc và xét thấy cần thiết, quốc gia thành viên đó phải bắt giữ hoặc thực hiện những biện pháp hợp pháp khác cần thiết để đảm bảo sự có mặt của người này. Việc bắt giữ và các biện pháp hợp pháp khác phải tuân thủ pháp luật của quốc gia đó nhưng chỉ được thực hiện trong thời hạn cần thiết để tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự hoặc dẫn độ.

2. Quốc gia đó phải tiến hành ngay hoạt động điều tra sơ bộ về sự việc”.

Như vậy, quy định này yêu cầu các quốc gia thành viên khi có căn cứ cho rằng một người thực hiện hoặc có liên quan tới bất kỳ hành vi/tội phạm theo quy định của bất kỳ quốc gia thành viên nào, hiện đang có mặt ở trên lãnh thổ của mình thì phải tiến hành bắt giữ và thực hiện các biện pháp cần thiết khác như các biện pháp ngăn chặn, các biện pháp điều tra theo quy định của pháp luật nước mình.

Tuy nhiên, khoản 3 và 4 Điều 6 cũng quy định những biện pháp bảo đảm quyền của người bị bắt giữ, tránh trường hợp quốc gia mà họ đang hiện diện lạm dụng quyền hạn của mình:

“3. Người bị bắt giữ theo quy định tại khoản 1 Điều này phải được hỗ trợ để liên hệ ngay với người đại diện thích hợp gần nhất của quốc gia mà người đó là công dân, hoặc trong trường hợp người đó là người không quốc tịch thì liên hệ với đại diện của quốc gia mà người đó thường trú.

4. Khi quốc gia thành viên bắt giữ một người theo quy định của Điều này thì phải thông báo ngay cho các quốc gia liên quan quy định tại khoản 1 Điều 5 về việc bắt giữ cũng như những căn cứ của việc bắt giữ đó. Quốc gia thành viên đã tiến hành điều tra sơ bộ theo quy định tại khoản 2 Điều này phải thông báo ngay kết quả điều tra cho các quốc gia đã nêu trên và xác định rõ việc quốc gia đó có dự định thực thi quyền tài phán hay không”.

Theo các quy định này, quốc gia nơi thực hiện việc bắt, tạm giữ, tạm giam, tiến hành thẩm vấn (hỏi cung, lấy lời khai) người thực hiện hành vi tra tấn và có nghĩa vụ thông báo cho quốc gia mà người đó là công dân hoặc nơi người đó thường trú cuối cùng (trong trường hợp người đó là người không quốc tịch hoặc người nhiều quốc tịch) biết. Trong thông báo phải nêu rõ về biện pháp áp dụng đối với người đó và hành vi phạm tội mà người đó đã thực hiện. Nếu cơ quan có thẩm quyền tiến hành biện pháp pháp lý nào thì phải nêu rõ căn cứ, lý do áp dụng biện pháp đó và thông báo kết quả thẩm vấn cho quốc gia có liên quan nói trên. Đồng thời, quốc gia thực hiện việc bắt giữ có nghĩa vụ thông báo cho quốc gia mà người đó là công dân về thẩm quyền giải quyết vụ án của mình.

Nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của quốc gia đã thực hiện việc bắt giữ thì quốc gia đó tiếp tục giải quyết theo quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự; nếu không thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền thì giải quyết bằng điều ước quốc tế, thông lệ quốc tế hoặc con đường ngoại giao.

Trong quá trình giải quyết vụ việc, nếu người đó bị áp dụng các biện pháp giam giữ thì phải được quốc gia thực hiện biện pháp giam giữ đó giúp đỡ để liên lạc ngay với người đại diện thích hợp gần nhất của nước mà người đó là công dân, hoặc nếu người đó là người không quốc tịch hoặc nhiều quốc tịch thì được liên lạc với đại diện của nước mà người đó thường xuyên cư trú.

b) Dẫn độ

Điều 8 của Công ước quy định trách nhiệm của các quốc gia thành viên cần phải quy định hành vi tra tấn là một hành vi tội phạm hình sự và cần phải coi đó là một tội trong các tội được dẫn độ. Điều này có thể được quy định trong pháp luật quốc gia hoặc trong các điều ước quốc tế song phương về dẫn độ giữa các thành viên của Công ước, cụ thể như sau:

“1. Những tội phạm được quy định tại Điều 4 phải được coi là những tội phạm có thể bị dẫn độ trong các hiệp định về dẫn độ đã được ký kết giữa các quốc gia thành viên. Các quốc gia thành viên cam kết quy định những tội phạm này là tội phạm có thể bị dẫn độ trong các hiệp định về dẫn độ sẽ được ký kết.

2. Nếu một quốc gia thành viên thực hiện dẫn độ trên cơ sở điều ước quốc tế nhận được yêu cầu dẫn độ của một quốc gia thành viên khác mà giữa hai quốc gia không có hiệp định về dẫn độ thì có thể coi Công ước này là cơ sở pháp lý để dẫn độ đối với các tội phạm đó. Việc dẫn độ phải tuân thủ các điều kiện khác do pháp luật của quốc gia được yêu cầu quy định.

3. Các quốc gia thành viên thực hiện dẫn độ không trên cơ sở điều ước quốc tế phải công nhận các tội phạm này là tội phạm có thể bị dẫn độ và tuân theo những điều kiện do pháp luật của quốc gia được yêu cầu quy định.

4. Vì mục đích dẫn độ giữa các quốc gia thành viên, các tội phạm này sẽ bị xử lý như là chúng được thực hiện không những tại nơi xảy ra tội phạm mà còn tại lãnh thổ của các quốc gia được yêu cầu thiết lập quyền tài phán theo khoản 1 Điều 5”.      

Trong trường hợp giữa hai thành viên Công ước chưa ký kết hiệp định về dẫn độ thì có thể coi Công ước là cơ sở pháp lý để thực hiện dẫn độ (khoản 2). Trong trường hợp này, việc thực hiện dẫn độ vẫn tuân thủ các quy định của pháp luật quốc gia. Với quy định như vậy, Công ước đề cao vai trò hợp tác giữa các thành viên của Công ước trong việc truy tố, xét xử đối với tội này thông qua hoạt động dẫn độ. Quy định này nhằm tạo thêm cơ sở pháp lý trong trường hợp các thành viên quy định việc dẫn độ phải dựa trên một điều ước quốc tế đã ký kết giữa các quốc gia với nhau.

Tuy nhiên, nếu nội luật của thành viên Công ước nào không đặt điều kiện việc dẫn độ phải dựa trên cơ sở điều ước quốc tế đã ký kết thì các thành viên cũng phải chấp nhận hành vi tra tấn phải là một hành vi cấu thành tội phạm hình sự sẽ bị dẫn độ và thực hiện việc dẫn độ theo quy định nội luật của thành viên đó (khoản 3 Điều 7).

Trong trường hợp tội phạm tra tấn đó xảy ra trên lãnh thổ của nhiều thành viên khác nhau thì các quốc gia phải cam kết những tội phạm đó chắc chắn phải bị xử lý.

c) Truy tố

Trường hợp quốc gia thành viên không thực hiện dẫn độ thì theo nguyên tắc “hoặc dẫn độ, hoặc truy tố”, quốc gia thành viên phải thực thi quyền tài phán đối với tội phạm tra tấn bị phát hiện:

“1. Quốc gia thành viên phát hiện trên lãnh thổ thuộc phạm vi quyền tài phán quốc gia một người bị tình nghi đã thực hiện tội phạm quy định tại Điều 4, sẽ theo những trường hợp quy định tại Điều 5, nếu không dẫn độ người đó, phải chuyển vụ việc cho các cơ quan có thẩm quyền để truy tố.

2. Các cơ quan có thẩm quyền phải ra các quyết định với cùng cách thức như trong vụ án phạm tội thông thường có tính chất nghiêm trọng theo pháp luật quốc gia. Đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 5, yêu cầu về các chứng cứ cần thiết cho việc truy tố và kết án cũng phải chặt chẽ như với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 5.

3. Những người có liên quan đến bất kỳ tội phạm nào được quy định tại Điều 4 phải được đảm bảo đối xử công bằng trong tất cả các giai đoạn của quá trình tiến hành tố tụng”.

Theo quy định này, các quốc gia thành viên có trách nhiệm đặc biệt phải tiến hành các biện pháp hiệu quả và cần thiết về mặt lập pháp và hành pháp để đưa người phạm tội tra tấn ra trước công lý. Người nước ngoài phạm tội tra tấn có thể thuộc một trong những trường hợp sau:

- Người đó là nhân viên công quyền nước ngoài thực hiện hành vi tra tấn (đối với công dân quốc gia đó hoặc công dân của quốc gia khác) trên lãnh thổ quốc gia phát hiện người đó;

- Người đó thực hiện hành vi tra tấn trên lãnh thổ nước ngoài nhưng bỏ trốn đến quốc gia phát hiện và bị bắt giữ. Người phạm tội này có thể là công dân của quốc gia phát hiện, cũng có thể là công dân của quốc gia nơi tội phạm được thực hiện hoặc một nước thứ ba.

Trong những trường hợp như vậy, quốc gia phát hiện người phạm tội tiến hành ngay việc bắt, giam giữ theo quy định của pháp luật nước mình và tuỳ từng trường hợp có thể thực hiện quyền tài phán của mình hoặc dẫn độ người đó cho quốc gia yêu cầu để quốc gia này thực hiện việc xét xử, hoặc thi hành án.

Trường hợp quốc gia thành viên không tiến hành trao trả, chuyển giao hoặc dẫn độ thì các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đó có trách nhiệm phải tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm đưa người có hành vi tra tấn ra xét xử theo pháp luật tố tụng của. Khoản 2 Điều 7 quy định, trong trường hợp không dẫn độ mà tiến hành tố tụng theo thẩm quyền của quốc gia mình, việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với tội phạm này phải bảo đảm đúng trình tự tố tụng, phán quyết phải công bằng, công minh như những tội phạm khác.

Khoản 3 Điều 7 đặc biệt nhấn mạnh đến nguyên tắc đối xử công bằng trong toàn bộ quá trình tố tụng. Nguyên tắc này nhắc lại các nguyên tắc trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948 và Công ước ICCPR. Theo đó, Điều 5 và 7 Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền quy định tất cả mọi người đều sinh ra tự do và bình đẳng; không ai có thể bị tra tấn hoặc nhục hình, bị đối xử hoặc hình phạt tàn nhẫn, vô nhân đạo; tất cả mọi người đều có quyền bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ và đối xử một cách bình đẳng và không thiên vị.

Tương tự, Điều 7 Công ước ICCPR quy định không ai có thể bị tra tấn, đối xử hoặc áp dụng hình phạt một cách tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc nhục hình; Điều 10 (1) nhấn mạnh rằng những người bị tước tự do phải được đối xử nhân đạo và được tôn trọng nhân phẩm vốn có của mình; và Điều 14 (1) quy định: “Tất cả mọi người đếu bình đẳng trước các toà án và các cơ quan tài phán. Bất kỳ người nào đều có quyền được xét xử bởi một toà án có thẩm quyền, độc lập, không thiên vị”, hay nói cách khác là khẳng định địa vị pháp lý được đối xử bình đẳng trước pháp luật.

d) Tương trợ tư pháp về hình sự

Điều 9 của Công ước quy định nghĩa vụ của các quốc gia thành viên cung cấp tương trợ tư pháp trong phạm vi rộng nhất có thể để tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự đối với các tội phạm này, cụ thể như sau:

“1. Các quốc gia thành viên phải hỗ trợ tối đa lẫn nhau trong quá trình tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự đối với các tội phạm quy định tại Điều 4, kể cả việc cung cấp tất cả những chứng cứ cần thiết cho hoạt động tố tụng đã được quốc gia phát hiện.

2. Các quốc gia thành viên sẽ thực hiện nghĩa vụ quy định tại khoản 1 của Điều này phù hợp với các hiệp định tương trợ tư pháp được ký kết giữa các quốc gia”.

Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự được hiểu là việc các quốc gia yêu cầu hỗ trợ hoặc cung cấp sự hỗ trợ cho một quốc gia khác trong việc tống đạt các giấy tờ pháp lý, thu thập chứng cứ trong quá trình tố tụng.

Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, vấn đề hợp tác quốc tế là rất quan trọng, đặc biệt là hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm. Đối với hành vi tra tấn, Công ước nhấn mạnh nguyên tắc hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp trong hoạt động phòng ngừa và trừng trị hành vi tra tấn là trách nhiệm của các quốc gia thành viên trong việc hoàn thiện các trình tự pháp lý và thủ tục tố tụng hình sự về tội tra tấn. Nguyên tắc hợp tác quốc tế đòi hỏi việc thúc đẩy và thực thi thẩm quyền pháp lý chung phải bảo đảm đúng và đầy đủ các bước trong hoạt động tố tụng hình sự được áp dụng đối với tội phạm này. Tương trợ tư pháp trong quá trình tố tụng đối với tội phạm tra tấn phải được thực hiện trong toàn bộ quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, trong đó, việc cung cấp bằng chứng cần thiết cho tố tụng là hết sức quan trọng. Tương trợ tư pháp - theo Công ước - là nghĩa vụ và trách nhiệm của các thành viên. Công ước không đưa ra trình tự phải hợp tác như thế nào mà cho phép các thành viên thực hiện nghĩa vụ này thông qua các hiệp định tương trợ tư pháp được ký kết giữa các nước.

e) Nghĩa vụ tiến hành điều tra khi cho rằng có hành vi tra tấn được thực hiện

Điều 12 của Công ước quy định: “Quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành điều tra kịp thời và công bằng khi có căn cứ xác đáng để tin rằng hành vi tra tấn đã được thực hiện trên lãnh thổ thuộc phạm vi quyền tài phán quốc gia” nhằm yêu cầu các quốc gia thành viên tiến hành điều tra nhằm xác định có hay không xảy ra hành vi tra tấn được thực hiện trên lãnh thổ của mình.

Nội dung này đã được nhắc lại trong “Các nguyên tắc về điều tra và tập hợp tư liệu hiệu quả về tra tấn và các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo vô nhân đạo hay hạ nhục con người” được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 2000. Theo đó, các quốc gia có nghĩa vụ phải tiến hành các hoạt động điều tra nhanh chóng, không thiên vị và có hiệu quả khi có cơ sở hợp lý để tin rằng hành động tra tấn và việc đối xử tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người xảy ra trong lãnh thổ của mình. Cùng đó, việc điều tra phải bảo đảm được tính “nhanh chóng” và “vô tư, không thiên vị”. Đây là hai đặc điểm rất quan trọng đối với các cuộc điều tra liên quan đến hành vi tra tấn, trừng phạt, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo bởi vì hành vi tra tấn thường gây nên những hậu quả nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần cho nạn nhân nên càng cần phải chấm dứt sớm.

Tác giả bài viết: Bé Năm (TP-HT) tổng hợp

Nguồn tin: Bộ TTTT

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay103
  • Tháng hiện tại7,136
  • Tổng lượt truy cập1,314,292
LỊCH CÔNG TÁC TUẦN
hồ chí minh
Đẩy mạnh học tập làm theo HCM
van ban quy pham phap luat
chính sách mới chính phủ
gop y du thao
hop thu dien tu
tuyen truyen
cổng dữ liệu quốc gia
Chuyển đổi số Tây Ninh
VNEID
Bản đồ thể chế
Đường dây nóng tiếp nhận PAKN
Công báo Chính phủ
công báo
Trợ giúp pháp lý
Quy hoạch sử dụng đất
Công khai ngân sách
Bản đồ du lịch
Giải đáp chính sách online
1022
Hỏi đáp trực tuyến
Kiểm tra chữ ký số trên văn bản điện tử
BỘ PHÁP ĐIỂN
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây