Việc lắp biển số xe xe cơ giới đường bộ không đúng quy định sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Biển số xe cơ giới (hay còn gọi là biển kiểm soát, biển số xe) là tấm biển gắn trên mỗi xe cơ giới, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp khi mua xe mới hoặc chuyển nhượng xe. Để thuận tiện cho việc quản lý, cơ quan nhà nước đã phân chia màu sắc, kí tự của các biển số xe theo cơ quan và mục đích. Đồng thời quy định vị trí gắn biển số cụ thể đối với các loại phương tiện giao thông khác nhau (Điều 25 Thông tư 58/2020/TT-BCA). Biển số xe giúp cơ quan chức năng dễ dàng kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông, góp phần quản lý trật tự, an toàn xã hội.
Tuy nhiên hiện nay, trên một số mẫu xe mô tô kiểu dáng thể thao, phân khối lớn, các loại xe tay côn, xe số được “độ”,... người dùng đang có xu hướng lắp biển số “đút gầm” (biển số được gắn ở vị trí khuất bên dưới yên xe), vênh cao hoặc gắn ngang hông bánh xe phía sau để tăng tính thẩm mỹ cho phương tiện, theo trào lưu của giới trẻ, thể hiện cá tính, ấn tượng hoặc sử dụng phục vụ cho mục đích thực hiện các hành vi phạm tội như trộm cắp, cướp giật,... Điều này không chỉ vi phạm Luật giao thông đường bộ mà còn gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc kiểm soát phương tiện giao thông.
Việc lắp đặt biển số “đút gầm”, vênh cao… thường được sử dụng trên những mẫu xe phân khối lớn, xuất phát từ việc tháo chắn bùn phía sau – bộ phận giúp hạn chế bùn đất văng lên phía sau xe. Vì vậy trong quá trình lưu thông không chỉ làm cho chiếc xe nhanh bám bẩn hơn mà còn ảnh hưởng đến những người tham gia giao thông phía sau. Ngoài ra, những chiếc biển số xe đút gầm nếu không được lắp đặt chắc chắn có thể rơi vào gầm xe trong quá trình lưu thông, gây nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện.
Bên cạnh đó, thực tế cho thấy biển số được gắn “đút gầm” hoặc vênh cao sẽ làm hạn chế tầm nhìn, gây ra những khó khăn trong việc nhận dạng biển số ảnh hưởng đến công tác xử lý vi phạm qua hình ảnh. Trong trường hợp xảy ra tai nạn giao thông rất khó để truy tìm thông tin người điều khiển phương tiện gây ra tai nạn nếu họ rời khỏi hiện trường.
Tại Khoản 5 Điều 25 Thông tư số 58/2020/TT-BCA quy định về biển số xe mô tô cụ thể: “Xe mô tô được cấp biển số gắn phía sau xe, kích thước: Chiều cao 140 mm, chiều dài 190 mm. Nhóm số thứ nhất là ký hiệu địa phương đăng ký xe và sêri đăng ký. Nhóm số thứ hai là thứ tự xe đăng ký gồm 05 chữ số tự nhiên, từ 000.01 đến 999.99. Biển số xe mô tô của tổ chức, cá nhân nước ngoài, nhóm thứ nhất là ký hiệu địa phương đăng ký xe, nhóm thứ hai là ký hiệu tên nước của chủ xe, nhóm thứ ba là sêri đăng ký và nhóm thứ tư là thứ tự xe đăng ký gồm 03 chữ số tự nhiên từ 001 đến 999”
Như vậy, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy thực hiện hành vi điều khiển xe gắn biển số không đúng quy định; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển sẽ áp dụng mức xử phạt từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng (căn cứ theo điểm d Khoản 2 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi bổ sung theo Khoản 10 và điểm m Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
Ngoài ra, phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô không thực hiện đúng quy định về biển số, trừ các hành vi vi lắp đặt, sử dụng thiết bị thay đổi biển số trên xe trái quy định; Đưa phương tiện không gắn biển số (đối với loại xe có quy định phải gắn biển số) tham gia giao thông; đưa phương tiện gắn biển số không đúng với Giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp tham gia giao thông (căn cứ Khoản 4a; điểm i, điểm k Khoản 5 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi bổ sung theo điểm c Khoản 17 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP). Đồng thời, buộc phải lắp đầy đủ thiết bị hoặc thay thế thiết bị đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật hoặc khôi phục lại tính năng kỹ thuật của thiết bị theo quy định.
Người tham gia giao thông cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tìm hiểu kỹ những quy định của pháp luật về lắp đặt biển số. Nên gắn biển số đúng với quy cách và thiết kế của nhà sản xuất, không tự ý thay đổi, tháo bỏ các chi tiết cần thiết trên phương tiện để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông./.
Theo CTTĐT Cục Cảnh sát giao thông
Tác giả bài viết: Nhân Phụng (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc