Đúng người, đúng thời điểm, phù hợp thực tế

Thứ sáu - 03/05/2024 09:34 7 0

Việc bồi hoàn gấp 5 lần thật sự chưa đủ chế tài, mà cần có sự ràng buộc tuyệt đối, là biện pháp bảo đảm các đối tượng này sau khi tốt nghiệp về làm việc tại các đơn vị y tế công lập của tỉnh Tây Ninh.

Năm 2022, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh thông qua Nghị quyết số 47/2022/NQ-HĐND về chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ công chức, viên chức, nhân viên ngành Y tế tỉnh Tây Ninh (gọt tắt là Nghị quyết số 47, có hiệu lực từ ngày 19.12.2022).

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân nặng tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (ICU) Bệnh viện đa khoa Tây Ninh.

Đây là chính sách rất được kỳ vọng đối với ngành Y tế, vừa “giữ chân” nhân viên y tế, vừa thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công. Tuy nhiên, sau thời gian triển khai thực hiện, đã phát sinh những bất cập, vướng mắc cần được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế.

2.663 đối tượng được tiếp tục chi hỗ trợ đến 30.6.2024

Ông Trương Văn Hùng- Giám đốc Sở Y tế cho biết, ngày 8.12.2023, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 66/2023/NQ-HĐND sửa đổi khoản 2 Điều 22 Nghị quyết số 47 về chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ công chức, viên chức, nhân viên ngành Y tế tỉnh Tây Ninh.

Theo đó, từ nguồn ngân sách của tỉnh, có 2.663 trường hợp được hỗ trợ hằng tháng theo Nghị quyết số 47, với tổng kinh phí 99,89 tỷ đồng. Trong đó, 577 trường hợp là bác sĩ phục vụ, công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, cấp huyện và trạm y tế xã, phường, thị trấn; 17 trường hợp bác sĩ, dược sĩ là công chức đang công tác tại Sở, các chi cục trực thuộc Sở và 2.069 trường hợp là viên chức và người được ký hợp đồng lao động theo quy định pháp luật.

Đây là những trường hợp thường xuyên, trực tiếp làm công việc về chuyên môn y tế, điều kiện, môi trường làm việc có tiếp xúc với người bệnh tính đến ngày 31.12.2023; phương thức chi trả căn cứ theo thời gian làm việc thực tế của từng người, bình quân từ 3 - 4 triệu đồng mỗi tháng.

Thống kê của Sở Y tế, toàn tỉnh có 7 đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên, 10 đơn vị tự bảo đảm một phần và 1 đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên. Theo Nghị quyết số 66, việc bố trí toàn bộ kinh phí từ ngân sách của tỉnh đã giúp tháo gỡ một nút thắt quan trọng để thực hiện các bước chi trả cho đối tượng thụ hưởng.

Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21.5.2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII), từ ngày 1.7.2024, chính sách tiền lương mới của công chức, viên chức nói chung cũng như công chức, viên chức y tế nói riêng có sự thay đổi theo mặt bằng chung, theo đó, lương cho đối tượng là công chức, viên chức ngành Y tế cũng được tăng thêm. Việc sử dụng ngân sách Nhà nước để trợ cấp hằng tháng cho bác sĩ, viên chức ngành Y tế khá lớn, ảnh hưởng khả năng cân đối ngân sách tỉnh.

Ông Hùng cho biết thêm, việc tiếp tục hỗ trợ hằng tháng cho công chức, viên chức sẽ không còn hợp lý. Giải pháp của ngành Y tế là chỉ thực hiện chi hỗ trợ cho các đối tượng này đến ngày 30.6.2024 để phù hợp với tình hình thực tế. Riêng nhân viên y tế khu phố, đây là các đối tượng chỉ hưởng theo chế độ phụ cấp (không hưởng lương), do đó, vẫn tiếp tục hưởng chính sách hỗ trợ hằng tháng theo Nghị quyết số 47/2022/NQ-HĐND. “Sau ngày 1.7, các đối tượng này sẽ được hưởng mức lương mới theo vị trí việc làm. Đề xuất này nhằm bảo đảm chính sách tiền lương mới theo Chỉ thị số 27 của Ban Chấp hành Trung ương và bảo đảm công bằng giữa các ngành”- Giám đốc Sở Y tế Trương Văn Hùng nhấn mạnh.

Bồi hoàn gấp 5 lần tổng kinh phí đào tạo

Tại phiên họp định kỳ HĐND tỉnh tháng 4.2024, UBND tỉnh có văn bản xin ý kiến xây dựng dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị quyết số 47 của HĐND tỉnh về chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, UBND tỉnh đề xuất quy định về mức đền bù gấp 5 lần kinh phí đã nhận hỗ trợ đào tạo đối với đối tượng học sinh phổ thông khi được cử đi đào tạo bác sĩ chính quy, sinh viên đang học khoa y tại các trường đại học trong nước và nước ngoài.

Tờ trình nêu rõ: “Trường hợp cá nhân không nhận công tác theo sự phân công của Sở Y tế sau khi tốt nghiệp sẽ thu hồi mức đền bù kinh phí bằng 5 lần tổng kinh phí đã được tỉnh hỗ trợ trong suốt thời gian đi học. Trường hợp cá nhân ký hợp đồng làm việc, tham gia tuyển dụng thành viên chức để làm việc tại các đơn vị y tế công lập của tỉnh, nhưng sau đó tự ý đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc tự ý thôi không tiếp tục làm việc sẽ thu hồi mức đền bù kinh phí bằng 5 lần tổng kinh phí do tỉnh hỗ trợ cho cá nhân trong suốt thời gian đi học (có tính khấu trừ thời gian cá nhân đã làm việc, kể cả thời gian hợp đồng tại các cơ sở y tế công lập của tỉnh)”.

Ông Dương Văn Thắng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để tránh lãng phí nguồn nhân lực, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ và Sở Y tế nghiên cứu nâng mức bồi thường, đủ chế tài đối với các trường hợp được nhận kinh phí đào tạo theo địa chỉ. “Mục tiêu của tỉnh là giữ chân bác sĩ, có nhân lực chất lượng cao, có bác sĩ bảo đảm chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Việc bồi hoàn gấp 5 lần thật sự chưa đủ chế tài, mà cần có sự ràng buộc tuyệt đối, là biện pháp bảo đảm các đối tượng này sau khi tốt nghiệp về làm việc tại các đơn vị y tế công lập của tỉnh Tây Ninh”.

Theo UBND tỉnh, biện pháp để bảo đảm các đối tượng đã được cử đi học và đã nhận hỗ trợ kinh phí làm việc phục vụ lâu dài tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập của tỉnh Tây Ninh là phải bồi hoàn kinh phí đào tạo theo quy định. Nội dung mức đền bù này kế thừa theo mức đền bù đã quy định tại Nghị quyết số 44/2016/NQ-HĐND ngày 19.12.2016 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ đào tạo phát triển nhân lực ngành Y giai đoạn 2016-2021.

Điều 11 Nghị quyết số 47 quy định đối tượng được cử đào tạo bác sĩ là công chức, viên chức ngành Y tế; học sinh tốt nghiệp tại các trường trung học phổ thông và sinh viên tỉnh Tây Ninh đang học khoa y tại các trường đại học trong nước và nước ngoài, mức đền bù được áp dụng theo Điều 8 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 1.9.2017 của Chính phủ.

Tuy nhiên, đối tượng áp dụng chỉ là cán bộ, công chức, viên chức mà chưa có quy định mức đền bù đối với đối tượng không phải là cán bộ, công chức, viên chức. Vì vậy, UBND tỉnh đề xuất bổ sung quy định về mức đền bù của các đối tượng này vào Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 47/2022/NQ-HĐND, làm cơ sở để Sở Y tế ký hợp đồng đào tạo với cá nhân trước khi cử đi học hoặc cho nhận hỗ trợ.

Ông Trương Văn Hùng cho biết thêm, hiện ngành Y tế có 29 trường hợp sau khi được đào tạo bác sĩ nhưng không trở về làm việc mà chấp nhận bồi hoàn kinh phí đào tạo theo quy định, tổng số tiền bồi hoàn trên 10,5 tỷ đồng. Để đạt tỷ lệ 15 bác sĩ/10.000 dân vào năm 2025 và 19 bác sĩ/10.000 dân vào năm 2030, tỉnh cần có phương án đào tạo để tăng thêm số lượng bác sĩ.

Hiện tại, tỉnh chỉ đạt 9 bác sĩ/10.000 dân, vẫn thiếu 600 bác sĩ so với dân số toàn tỉnh. “Qua báo cáo, chúng tôi còn 178 em đang được đào tạo bác sĩ theo địa chỉ tại các trường đại học. Trong giai đoạn tỉnh Tây Ninh còn thiếu nhân lực bác sĩ làm việc tại các cơ sở y tế công lập, hy vọng với số lượng này, sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ trở về tỉnh nhà công tác”- ông Hùng chia sẻ.

Tâm Giang

Tác giả bài viết: Thành Lộc (TTVH tổng hợp)

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây