Thời mở đất, có nhiều gia tộc từ miền Trung sớm đặt chân đến vùng đất Tây Ninh, cùng góp công góp sức, biến vùng đất hoang vu Tây Ninh xưa trở nên trù phú.
Gia tộc họ Đặng…
Ông Đặng Văn Tách (83 tuổi, ngụ phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng)- hậu duệ đời thứ năm của dòng họ Đặng ở Trảng Bàng, Trưởng Ban Quý tế đền thờ ông Cả Đặng Văn Trước kể lại, trước thế kỷ thứ XVII, do Trịnh-Nguyễn phân tranh, nội chiến kéo dài, nhiều đồng bào miền Trung rời quê hương vào phương Nam khai hoang lập nghiệp. Trong đó có ông Đặng Văn Trước (huý hiệu Đặng Uý Dừa), huyện An Nam, tỉnh Bình Định.
Năm 1811, ông Đặng Văn Trước dừng chân ở Bến Đồn (ấp Bùng Binh, xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng ngày nay) để khai khẩn đất đai làm ăn sinh sống. Nhưng vì đất đai ở Bến Đồn có nhiều sỏi cát, khó trồng trọt, năm 1818, ông Trước và một số thân hào nhân sĩ đến làng Bình Tịnh (thị xã Trảng Bàng ngày nay) làm đơn xin nhượng lại một số lô đất để khai khẩn lập làng với tên gọi là Phước Lộc thôn.
Thời điểm đó, Trảng Bàng là một vùng đất rừng rậm hoang vu với nhiều thú dữ. Năm 1821, ông Trước chỉ huy dân chúng đào một con kênh thông ra rạch Trảng Bàng để mở đường buôn bán và lập một ngôi chợ tại đây. Ông cho mở mang thêm đường sá, xây phố, biến một vùng đất hoang vu trở thành một khu vực trù phú về nông nghiệp và phát triển về thương nghiệp, tấp nập trên bến dưới thuyền, kẻ mua người bán cùng nhau trao đổi sản vật.
Cùng với nhu cầu phát triển của cư dân, ông Trước mua thêm một phần đất nữa để mở rộng địa giới của Phước Lộc thôn. Năm 1836, Minh Mạng thứ XVII, Phước Lộc thôn đổi thành “Gia Lộc thôn” (nay thuộc phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng). Vào thời điểm này, giặc Miên thường vượt biên giới sang quấy nhiễu và cướp tài sản của nhân dân, nhưng đều bị ông Đặng Văn Trước và dân binh dẹp tan. Làng xóm có cuộc sống thanh bình, nhân dân được cuộc sống ấm no, nên ông được phong chức “Cả” trong làng.
Ngày 5.3 năm Bính Tuất (1826), ông Cả Đặng Văn Trước qua đời. Để tưởng nhớ người có công mở đất, đào kênh, lập chợ, chống giặc giữ làng, sau khi ông mất, nhân dân trong vùng an táng và xây dựng một ngôi mộ tại nơi ông dừng chân đầu tiên ở Bến Đồn. Hằng năm, vào đêm 11 rạng sáng 12.10 âm lịch, nhân dân địa phương và kiếng họ kéo nhau về tảo mộ và thắp hương tưởng nhớ người đã góp phần công sức xây dựng vùng đất xứ Trảng.
Nhân dân tôn ông Đặng Văn Trước là thành hoàng và cùng với chính quyền địa phương xây dựng đình Gia Lộc (phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng hiện nay) để thờ ông. Thời Bảo Đại thứ VIII, ngôi đình được sắc phong “Dực bảo trung hưng linh phù chi thần”. Năm 1994, đình Gia Lộc được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia.
Đình Thái Bình- nơi thờ cụ Võ Văn Oai.
Tuy nhiên, ông Phí Thành Phát- hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, người có nhiều năm nghiên cứu về gia tộc họ Đặng ở thị xã Trảng Bàng cho biết, có lẽ vì tục kỵ huý và sự loạn lạc chiến tranh dẫn đến thất lạc thư tịch nên có sự nhầm lẫn giữa ông Đặng Thế Vừa và ông Đặng Văn Trước. Hiện nay, đền thờ ông Cả Đặng Văn Trước đang lưu giữ bộ gia phả của dòng tộc viết bằng chữ Hán Nôm, trong đó ghi lại thân thế và hoạt động của các vị tiền hiền họ Đặng.
Theo bộ gia phả này, ông Đặng Thế Vừa giữ chức Trùm xâu, coi việc thu thuế. Ông cùng gia tộc và một số di dân khai phá một vùng đất rộng lớn từ Bùng Binh lên đến khu vực Dầu Tiếng, ngang qua Trà Võ, Gò Dầu và vùng cánh Tây, nay là các xã Phước Chỉ, Phước Bình, thị xã Trảng Bàng. Ông là người lập nên các thôn Gia Lộc, Lộc Ninh, Phước Hội.
Ngoài việc khai khẩn đất đai, ông Vừa còn quy tập dân chúng nhiều nơi về giúp họ khai khẩn, cung cấp gạo tiền để họ làm ăn sinh sống. Nhiều lần ông chiêu tập dân binh, mua sắm vũ khí, luyện tập quân sĩ với phương châm “tịnh vi nông, động vi binh”. Năm 1821, ông chỉ huy dân chúng thôn Phước Lộc đào một con kênh thông ra rạch Trảng Bàng để mở đường giao thương buôn bán và lập một ngôi chợ tại đây. Ông cho mở thêm đường sá, xây phố, phát triển thương nghiệp địa phương. Tuy nhiên, con kênh đi qua thôn Bình Tịnh bị hương chức thôn này kiện tụng khiến ông Vừa bị xử đánh 80 trượng và bị lập vi bằng nhận tội.
Do có cựu thù với thôn Bình Tịnh, trong một lần đi công việc về, ông Đặng Thế Vừa ghé qua nghỉ ngơi tại địa phận Cây Cao, bị ba tên bất lương đầu độc. Sau khi lên ngựa, ông bắt đầu ngấm thuốc nhưng gắng gượng về tới chợ Trảng Bàng thì mất. Người dân tiếc thương ông nên xây cả đền thờ lẫn đình thờ ông. Đó là đền thờ ông Cả Đặng Văn Trước và đình Gia Lộc ngày nay.
…Cùng nhiều họ tộc khác
Năm 2012, Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành gia phả TP. Hồ Chí Minh hoàn thành quá trình ghi chép, biên soạn quyển Gia phả họ Trần ở phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng. Theo đó, tổ tiên họ Trần cư ngụ tại An Tịnh từ lúc vùng đất này còn là thôn Bình Tịnh, thuộc tổng Bình Cách, huyện Thuận An, tỉnh Gia Định. Từ đó đến nay, với khoảng thời gian dài trên 160 năm, họ tộc Trần đã trải qua biết bao thăng trầm, mất mát, cùng với các dòng họ khác đổ mồ hôi khai phá rừng hoang, đổ xương máu chống giặc ngoại xâm, giữ cho An Tịnh ngày nay xanh tươi, giàu đẹp.
Sách Miền Ðông Nam Bộ- con người và văn hoá của Tiến sĩ Phan Xuân Biên có viết, ở ấp An Khương hay còn gọi là xóm Cây Sao, họ Phan được coi là họ đầu tiên đến lập nghiệp. Ở thôn An Phú (còn gọi xóm Hóc Ớt) có họ Hồ, thôn An Thành (Sình Tranh) có họ Lê (cao tổ Lê Văn Phi) sau đổi thành họ Nguyễn; thôn An Bình (Cây Cau) có họ Trương và hậu duệ là Trương Tùng Quân và họ Ðinh; ở thôn An Thới (xóm Trầu) có họ Trần; ở thôn Tịnh Phong có họ Ðoàn và thôn An Ðước (Bàu Mây, Trà Nguồn) có họ Lê…
Ông Nguyễn Quốc Việt- nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh có bài viết về các tộc họ thời mở đất (đăng trên Báo Tây Ninh năm 2017). Trong đó, ông nêu năm 1836, khi thành lập phủ Tây Ninh, với các chính sách khuyến khích lưu dân khai phá lập thôn làng trên vùng đất mới, di dân tới Tây Ninh lập nghiệp ngày một nhiều hơn. Khoảng năm 1700, ông Dương Tấn Phong đã đến làng Gia Bình, mở đầu cho dòng họ Dương ở Tây Ninh.
Mộ ông Cả Đặng Văn Trước.
Giữa thế kỷ XVIII, còn có họ Võ, đứng đầu là cụ Võ Văn Oai- người được lưu truyền là có công đánh giặc bảo vệ dân lành ở khu vực huyện Châu Thành và thành phố Tây Ninh hiện nay. Sau khi ông qua đời, được người dân suy tôn là thành hoàng, thờ tại đình Thái Bình (TP. Tây Ninh) và đình Thanh Ðiền (xã Thanh Ðiền, huyện Châu Thành).
Tại xã Thanh Ðiền còn có các tộc họ Ðỗ, họ Trương, họ Lâm, họ Nguyễn… Vì vậy, hiện nay, trong đình Thanh Ðiền, ngoài vị thành hoàng họ Võ, các tộc họ Ðỗ với họ Trương được thờ với tư cách tiền hiền và hậu hiền.
Qua thực tế cho thấy, thời mở đất Tây Ninh, ngoài những dòng họ đã được nhiều người biết đến như anh em Huỳnh Công Giản, Huỳnh Công Nghệ, gia tộc họ Đặng ở Trảng Bàng, còn có nhiều dòng họ khác đã chung tay làm nên miền đất Tây Ninh tươi đẹp ngày nay.
Đại Dương
Tác giả bài viết: Thành Lộc (TTVH tổng hợp)
Nguồn tin: Báo Tây Ninh
Ý kiến bạn đọc